Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gấp rút giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp quốc lộ 19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tổng mức đầu tư gần 3.655 tỷ đồng, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (gọi tắt là Dự án nâng cấp quốc lộ 19) do Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) làm chủ đầu tư được triển khai trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định. Tại Gia Lai, các địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư triển khai thi công.
Dự án giao thông trọng điểm
Quốc lộ 19 là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ. Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, quốc lộ 19 đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 22-5-2019, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã có Quyết định số 982/QĐ-BGTVT phê duyệt đầu tư Dự án nâng cấp quốc lộ 19. Mục tiêu nhằm góp phần kết nối hệ thống đường bộ với các nước láng giềng; tăng cường kết nối giao thông và logistics dọc theo hành lang Đông-Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh Duyên hải miền Trung; xây dựng hành lang an toàn giao thông đường bộ trên tuyến, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc tế…
Trong tổng số 143,6 km đường thuộc phạm vi thi công của Dự án, đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai chiếm 126,6 km (bao gồm 2 đoạn tuyến tránh TP. Pleiku và thị xã An Khê). Quốc lộ 19 sẽ được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III-TCVN 4054-05, tốc độ thiết kế 60-80 km/giờ. Đoạn qua khu đông dân cư sẽ có chiều rộng mặt đường 13 m, đoạn thông thường có chiều rộng mặt đường 11 m, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp (riêng đoạn qua đèo An Khê có chiều rộng mặt đường 8 m). Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2020 đến 2023.
Quốc lộ 19 có nhiều đoạn nhỏ hẹp và tình trạng giao thông hỗn hợp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Lê Hòa
Sau nhiều bước chuẩn bị, ngày 7-7, Ban Quản lý Dự án 2 đã có Công văn số 1057/BQLDA2-PID4 báo cáo về việc khởi động triển khai xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng 2 gói thầu XL-03 và XL-04 thuộc Dự án nâng cấp quốc lộ 19. Địa điểm xây dựng 2 gói thầu này thuộc thị xã An Khê và các huyện: Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa. Phạm vi thi công nâng cấp trên nền tuyến quốc lộ 19 hiện hữu. Các phạm vi còn lại chưa được khởi công chủ yếu rơi vào các đoạn phóng tuyến mới chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Bà Đỗ Thị Ngọc Hạnh-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku-cho biết: Để thi công đường tránh Pleiku, thành phố thu hồi 143.087 m2 đất thuộc địa bàn xã An Phú và phường Chi Lăng. Đến nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn tất việc kiểm tra, kiểm kê thực tế đất và tài sản trên đất thuộc phạm vi giải tỏa; chỉ còn 1 trường hợp chưa kiểm tra, kiểm kê do có sự điều chỉnh đoạn qua Khu thực nghiệm Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ). Hội đồng thẩm định giá đất cùng đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh hồ sơ phương án xác định giá đất, hệ số điều chỉnh để tính tiền bồi thường.
Tại huyện Đak Đoa, bà Lê Thị Thu Thảo-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-thông tin: Dự án nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn huyện triển khai trên phạm vi 4 xã, trong đó có 2 xã nâng cấp trên tuyến cũ là Kdang, Tân Bình và 2 xã phóng tuyến mới là A Dơk, Ia Băng. Để có mặt bằng phục vụ triển khai phóng tuyến mới có 223 hộ bị thu hồi đất với tổng diện tích gần 128.000 m2, bao gồm đất ở, đất trồng cây lâu năm và đất trồng lúa. Đối với đoạn qua xã Kdang và Tân Bình, Hội đồng đền bù và GPMB huyện đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đối với đoạn tuyến tránh TP. Pleiku đi qua huyện Đak Đoa, địa phương đã thực hiện xong việc kiểm kê tài sản trên đất của các hộ bị ảnh hưởng và phối hợp với đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Quốc lộ 19, đoạn qua xã An Thành (huyện Đak Pơ). Ảnh: Đức Thụy
Xã Ia Băng có diện tích đất cần GPMB lớn nhất trong số 4 xã thuộc huyện Đak Đoa. Cụ thể, quốc lộ 19 đoạn tránh TP. Pleiku sẽ đi qua 3 làng: Ia Klai, Bông Lar, Châm Brông với tổng diện tích đất giải tỏa hơn 108.261 m2 của 135 hộ dân. Bà Hoàng Thị Kim Hưng-công chức Địa chính-Xây dựng xã Ia Băng-cho hay: “Người dân đồng thuận nên công tác GPMB diễn ra thuận lợi”. 
Bồi thường chặt chẽ, đúng quy định
Ông Trần Quốc Khánh-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho biết: Dự án nâng cấp quốc lộ 19 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách về bồi thường trên cơ sở Luật Đất đai. Ngoài ra, đây là dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới nên có một số yêu cầu khác liên quan đến GPMB. Trong đó, Bộ GT-VT cùng với đơn vị tư vấn nước ngoài phải tổ chức nhiều hội thảo, tham vấn từ thôn, làng cho đến cấp xã, huyện, tỉnh; đồng thời, xem xét cả nhóm đối tượng cụ thể như: phụ nữ, người già, nhóm người mất sinh kế... để hình thành khung chính sách và trình Thủ tướng Chính phủ bàn hành. Có thể nói công tác GPMB được thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ, khoa học dưới sự giám sát của đơn vị giải ngân vốn.
Cán bộ địa chính xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) trao đổi với hộ dân có vườn đất nằm trong phạm vi giải tỏa mở tuyến đường tránh quốc lộ 19, đoạn qua TP. Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Ngay sau khi bàn giao hợp phần bồi thường, GPMB cho địa phương, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông làm Trưởng ban; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nằm trong phạm vi triển khai Dự án. Ngoài thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, GPMB còn có tổ giúp việc là các chuyên gia, chuyên viên phụ trách mảng bồi thường và ở địa phương là các trưởng phòng tài nguyên và môi trường. Nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời các vấn đề liên quan, Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB còn lập nhóm Zalo để chỉ đạo, xử lý công việc.
Khu vực vườn rẫy trù phú này thuộc địa phận làng Ia Klai (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) sẽ đổi thay khi đường tránh quốc lộ 19, đoạn qua TP. Pleiku được phóng tuyến đi qua. Ảnh: Lê Hòa
Cùng với đó, UBND tỉnh ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, GPMB. Hiện các địa phương đều đã có thông báo thu hồi đất; tiến hành đo đạc và kiểm đếm tài sản trên đất. “Tuyến quốc lộ 19 phần lớn chạy trên tuyến cũ, các hộ có tài sản trên đất hầu hết nằm trong hành lang an toàn giao thông nên chỉ di dời mà không phải bồi thường. Riêng đối với các địa phương có tuyến mở mới, trên cơ sở mặt bằng do Ban Quản lý dự án 2 bàn giao đã triển khai công tác đo đạc, kiểm kê tài sản để trình Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định”-ông Khánh cho biết thêm.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay chỉ còn vướng mắc đối với các công trình thiết yếu như: viễn thông, điện lực, công trình chiếu sáng, cấp thoát nước, xăng dầu, năng lượng, hóa chất... “Sở đã họp các ngành và các chủ công trình. Căn cứ theo quy định thì các công trình này không được bồi thường và trình phải di dời cho kịp tiến độ. Tuy nhiên, những công trình này hầu hết đều phụ thuộc các tập đoàn, tổng công ty của Trung ương nên phải chờ kế hoạch, kinh phí di dời từ cơ quan cấp trên”-ông Khánh đề cập.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm