Khai thác bệnh sử được biết hơn 2 tháng trước, bệnh nhân N.T.H, 28 tuổi, có các dấu hiệu trầm cảm nặng nên đã tự dùng kim đâm vào cơ thể. Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện khó thở, đau tức ngực.
7 cây kim được các bác sỹ phẫu thuật gắp ra khỏi lồng ngực bệnh nhân. Ảnh: TTXVN phát |
Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa phẫu thuật gắp thành công 7 cây kim may nằm trong lồng ngực bệnh nhân suốt 2 tháng.
Trường hợp hy hữu này là bệnh nhân N.T.H (28 tuổi, ngụ tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Bệnh nhân nhập viện ngày 27/4 với biểu hiện khó thở, đau ngực âm ỉ, tức ngực.
Các bác sỹ tiến hành chụp X-quang và CT-scan lồng ngực, xác nhận có 7 dị vật hình dạng như chiếc kim may, dài khoảng 4cm nằm ở trung thất và khoang màng phổi trái kèm theo tràn dịch màng tim.
Khai thác bệnh sử được biết hơn 2 tháng trước bệnh nhân có các dấu hiệu trầm cảm nặng nên đã tự dùng kim đâm vào cơ thể. Do đó, bên cạnh những tổn thương phức tạp do dị vật gây ra, các bác sỹ còn đối mặt với khó khăn khi thể trạng bệnh nhân đang rất kém, hệ miễn dịch bị suy giảm, nguy cơ nhiễm trùng rất cao trong và sau mổ.
Xác định đây là tổn thương nặng và phức tạp, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa: hồi sức cấp cứu, lồng ngực mạch máu, phẫu thuật-gây mê hồi sức. Sau nhiều giờ hội chẩn và đưa ra các phương án điều trị, êkíp các bác sỹ đã quyết định lấy dị vật ra khỏi lồng ngực bệnh nhân bằng phương pháp phẫu thuật hở, mở lồng ngực.
Sau gần 3 giờ phẫu thuật, các bác sỹ đã lấy 7 cây kim ra khỏi lồng ngực bệnh nhân, trong đó 1 cây đâm vào nhĩ trái, 3 cây đâm vào quai động mạch phổi, 1 cây đâm thủng thùy trên phổi trái, 1 cây trong khoang màng phổi trái, 1 cây trong cơ thành ngực (bị gãy đôi).
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển khả quan, được tiếp tục theo dõi tại khoa phẫu thuật- gây mê hồi sức.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Trang - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, trưởng kíp mổ cho biết khi vật sắc nhọn và nhỏ như trường hợp cây kim may đi vào lồng ngực sẽ di chuyển vào trung tâm theo lực hút của tim, khiến bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan, trong đó quan trọng nhất là tim và phổi, gây khó thở và đau ngực. Bên cạnh đó, dị vật còn có thể bị rỉ sét, gây nhiễm trùng, tạo ổ mủ, ápxe… có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Qua trường hợp này, các bác siỹ khuyến cáo, nếu gia đình có thân nhân bị trầm cảm thì cần đưa đi khám và điều trị dứt điểm; đồng thời quan tâm, theo dõi sát để tránh tình trạng bệnh nhân tự làm tổn thương mình. Nếu phát hiện bệnh nhân đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho bản thân thì phải nhanh chóng đưa đến các trung tâm y tế uy tín để kịp thời can thiệp, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo Ánh Tuyết (TTXVN/Vietnam+)