Trong 7 bị can liên quan đến nhóm Hứa Thị Phấn bị khởi tố về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, có đến 2 người đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có chính “đương sự” là bà Sáu Phấn (Hứa Thị Phấn).
Trong giai đoạn 2 của “Đại án Ngân hàng Xây dựng”, bà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm còn có 2 sai phạm được tách ra điều tra, gồm: (1) chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án BĐS, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037,8 tỷ đồng, và (2) Nâng khống giá 25 BĐS khác để bán cho Ngân hàng Đại Tín, để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỷ đồng.
Bà Hứa Thị Phấn được triệu tập tại đại án Ngân hàng Xây dựng (Ảnh: IT)
4 BĐS được “phù phép” nâng giá thế nào?
Như Dân Việt đã đưa tin, trong số 25 BĐS bị bà sáu Phấn và đồng phạm nâng khống giá trị, bán lại cho Ngân hàng Đại Tín với tổng giá trị hơn 3.580,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (SIVC) xác định giá của 25 BĐS tại thời điểm tháng 9/2014 chỉ có giá hơn 1.369,7 tỷ đồng. Như vậy, thiệt hại của CB lên tới… hơn 2.129 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong số 25 BĐS này, có tới 21 BĐS vì nhiều lý do nên Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) không xem xét xử lý, chỉ có 4 BĐS được xem xét xử lý và được xác định gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 437,1 tỷ đồng.
Cụ thể, BĐS thứ nhất là căn nhà số 10 Lý Tự Trọng (P.Bến Nghé, Q.1): Đây là tài sản do Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Phúc Nguyễn (Công ty của bà Phấn nhờ Huỳnh Thị Xuân Dung - cháu bà Phấn đứng tên), bán cho Ngân hàng Đại Tín ngày 23/12/2010 với giá 520 tỷ đồng. Tuy nhiên, SIVC thẩm định giá thị trường theo ý kiến chỉ đạo của NHNN thì BĐS này tại thời điểm tháng 9/2014 chỉ có giá hơn 220,1 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới hơn 299,8 tỷ đồng.
Cũng với BĐS này, kết luận của Hội đồng thẩm định giá trong Tố tụng hình sự TP.HCM ngày 14/7/2017, xác định giá trị khối tài sản này tại thời điểm tháng 12/2010 là hơn 146,5 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới… 373,4 tỷ đồng. Cũng tại kết luận định giá ngày 5/7/2019 của cơ quan này, xác định giá thị trường tại thời điểm tháng 11/2018 của BĐS số 10 Lý Tự Trọng chỉ là hơn 241 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới hơn 278,9 tỷ đồng.
Bất động sản thứ 2 là số nhà 409 Sư Vạn Hạnh (P.12, Q.10, TP.HCM), Ngân hàng Đại Tín mua từ Phạm Hồng Hảo - Lâm Hứa Tuấn Phong (cháu bà Phấn, nhân viên Ngân hàng Đại Tín, đứng tên giúp cho bà Phấn). Căn nhà này được bán cho Ngân hàng Đại Tín ngày 14/11/2009 với giá hơn 51,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, SIVC tiến hành định giá theo chỉ đạo của NHNN thì BĐS này tại thời điểm tháng 9/2014 chỉ có giá hơn 34,59 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua hơn 16,67 tỷ đồng.
Trong khi đó, kết luận của Hội đồng thẩm định giá trong Tố tụng hình sự TP.HCM ngày 14/7/2017, xác định giá trị khối tài sản này tại thời điểm tháng 11/2009 là hơn 19,7 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới 31,56 tỷ đồng, tương ứng 2,6 lần.
Còn theo kết luận định giá ngày 5/7/2019 của Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự TP.HCM, xác định giá thị trường tại thời điểm tháng 11/2018 của BĐS này chỉ là hơn 32,6 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới hơn 18,6 tỷ đồng.
Bất động sản thứ 3 là số nhà 422B Nguyễn Thị Minh Khai (P.5, Q.3), do Lâm Hứa Quỳnh Trinh (cháu bà Phấn, nhân viên Ngân hàng Đại Tín, đứng tên giúp bà Phấn), bán cho Ngân hàng Đại Tín ngày 17/11/2009 với giá 42,24 tỷ đồng. Tuy nhiên, SIVC thậm định giá tại thời điểm tháng 9/2014 chỉ là 16,59 tỷ đồng, thấp hơn mức giá ngân hàng mua tới 25,64 tỷ đồng.
Trong khi đó, kết luận của Hội đồng thẩm định giá trong Tố tụng hình sự TP.HCM ngày 14/7/2017, xác định giá trị khối tài sản này tại thời điểm tháng 11/2009 chỉ là hơn 13,3 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới… 28,9 tỷ đồng. Còn theo kết luận định giá ngày 5/7/2019 của chính cơ quan này, xác định giá thị trường tại thời điểm tháng 11/2018 của BĐS này chỉ là hơn 20,44 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới hơn 21,79 tỷ đồng.
Bất động sản thứ 4 là số nhà 30 Quang Trung (P.Van Thắng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), căn nhà này được bà Hứa Thị Phấn bán cho Ngân hàng Đại Tín ngày 3/2/2012 với giá 80 tỷ đồng. Tuy nhiên SIVC thẩm định giá chỉ có hơn 43,7 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới 36,28 tỷ đồng.
Còn theo kết luận số 5471/KL-HĐĐGTS ngày 28/12/2018 của Hội đồng định giá tố tụng hình sự tỉnh Khánh Hòa, tài sản BĐS trên tại thời điểm tháng 2/2012 chỉ có giá hơn 44,83 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua tới hơn 35,16 tỷ đồng.
Người bệnh nặng, kẻ tâm thần
Ngoài việc nâng khống giá trị 4 BĐS để bán cho Ngân hàng Đại Tín, bà Sáu Phấn còn chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trực tiếp vào 4 dự án BĐS do 3 công ty của bà Phấn làm chủ đầu tư, để bà Phấn chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng Đại Tín đã đầu tư hơn 570,8 tỷ đồng vào dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ GardenII (tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); Đầu tư hơn 330,2 tỷ đồng vào 2 dự án “The Star City” và “Go-Go City” (tại huyện Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty CP Địa ốc Lam Giang (công ty của bà Phấn) làm chủ đầu tư; Đầu tư hơn 136,7 tỷ đồng vào Dự án Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Đáng nói, trong 4 dự án này, chỉ duy nhất còn dự án đầu tư KCN Tân Đông Hiệp B là giữ nguyên hiện trạng đầu tư và hoạt động; dự án Phú Mỹ Garden II đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư do không thực hiện dự án từ ngày 31/3/2014; 2 dự án Khu Nhà ở tái định cư Lam Giang (The Star City) và Khu nhà tái định cư Nhơn Đức - Lam Giang (Go-Go City) chỉ dừng lại ở việc chấp thuận địa điểm đầu tư, nhưng văn bản này đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2011.
Ở một diễn biến khác, trong 7 bị can liên quan đến nhóm bà sáu Phấn (Hứa Thị Phấn) bị khởi tố về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong giai đoạn 2 này, có 2 người đang được điều trị tại bệnh viện.
Cụ thể, bà Hứa Thị Phấn đang được điều trị sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (Q.7) với tình trạng tăng huyết áp độ ¾ (180/88MnHg) và tiểu đường tuýp II. Nhiều lần Cơ quan CSĐT Bộ công an đến tiếp xúc để điều tra nhưng bà Phấn luôn ở trong trình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời.
Trong khi đó, bị can Nguyễn Kim Thanh thì được tạm đình chỉ điều tra do đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại cơ sở chuyên khoa y tế - Viện pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai), kể từ ngày 23/5/2019 - theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh số 03/TATP-QĐ ngày 7/5/2019 của TAND TP.HCM trên cơ sở bàn kết luận giám định pháp y về sức khỏe số 05/SK.19 ngày 8/3/2019 của Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP.HCM, kết luận: “Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng tiến triển liên tục và đề nghị tiếp tục điều trị tại cơ sở chuyên khoa tâm thần”.
Quốc Hải (Dân Việt)