Gen Z dùng AI chẩn bệnh lúa, cà chua đến bằng sáng chế, học bổng xứ Hàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được định hướng theo ngành Y chữa bệnh cứu người, rồi bất ngờ ngoặt sang công nghệ thông tin bước vào thế giới ma trận thuật toán, code… đến mày mò thực hiện dự án trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ nông dân chẩn bệnh cho cây lúa, cây cà chua.

Đó là hành trình thú vị của chàng trai gen Z Nguyễn Quốc Khang lớn lên từ miền Tây sông nước.

Tình yêu công nghệ từ việc khám phá máy tính

Chàng trai Nguyễn Quốc Khang (SN 2002, Cần Thơ) tốt nghiệp loại giỏi ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH FPT hồi tháng 6/2024 và xuất sắc giành được suất học bổng toàn phần để theo đuổi chương trình kết hợp thạc sĩ – tiến sĩ ngành kỹ thuật máy tính ĐH Hàn Quốc. Cậu còn trúng tuyển bậc thạc sĩ ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore).

Khang không thuộc tuýp yêu thích công nghệ từ bé hay trong gia đình có người thân hoạt động trong lĩnh vực này. Cậu kể, ban đầu theo đuổi ngành Y từ định hướng của gia đình, nhưng nhận thấy không thực sự phù hợp với bản thân, nên Khang gác lại, thử tìm hiểu sang công nghệ thông tin.

Qua quá trình tìm tòi, học tập về công nghệ thông tin, Khang phát hiện "đây là lĩnh vực mình có thể phát huy sự sáng tạo và giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn”. “Tình yêu công nghệ của tôi không được truyền từ gia đình mà đến từ việc khám phá máy tính”, Khang nói.

Nguyễn Quốc Khang từ yêu thích khám phá máy tính đến đam mê nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Ảnh: NVCC
Nguyễn Quốc Khang từ yêu thích khám phá máy tính đến đam mê nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Ảnh: NVCC

Tháng 3 tới, Khang sẽ lên đường đến xứ Kim Chi và theo học chương trình kết hợp thạc sĩ – tiến sĩ ngành kỹ thuật máy tính ĐH Hàn Quốc, trong 5 năm. Đây là đại học tư thục lớn nhất của Hàn Quốc, xếp vị trí 13 ở châu Á, 67 thế giới.

Càng say mê khám phá máy tính, Khang càng ý thức được sự thay đổi, phát triển liên tục của công nghệ.

Để bắt nhịp dòng chảy công nghệ, cậu tập trung trang bị nền tảng kiến thức vững chắc, kết hợp học tập trên lớp với việc nghiên cứu độc lập. Cậu thường xuyên đọc các bài báo khoa học, tham gia các khóa học về các kiến thức mới, và thực hiện các dự án ứng dụng AI vào thực tiễn.

“Tôi giữ thói quen cập nhật công nghệ mới thông qua hội thảo và cộng đồng nghiên cứu quốc tế, đồng thời thực hành thông qua các dự án hợp tác với giảng viên và bạn bè”, Khang chia sẻ.

Dùng AI giúp nhà nông

Nói về hành trình đến với nghiên cứu khoa học và lĩnh vực nông nghiệp, Quốc Khang cho hay, lớn lên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nên cậu hiểu được những khó khăn của người nông dân. Khang đã học hỏi từ các chuyên gia nông nghiệp, đọc tài liệu nghiên cứu liên quan để hiểu về đặc điểm sinh học của những loại cây và các bệnh thường gặp.

Những kiến thức này được kết hợp với khả năng xử lý dữ liệu của AI để xây dựng mô hình nhận diện bệnh chính xác. Các thông tin tôi thu thập được từ thực tế sản xuất và thí nghiệm giúp tôi "dịch" vấn đề của nông dân sang ngôn ngữ công nghệ, tạo ra những giải pháp phù hợp”, Nguyễn Quốc Khang.

Dự án đầu tiên của Khang là ứng dụng AI để nhận diện những bệnh thường gặp trên cây lúa, dựa trên dữ liệu của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án được thực hiện khi cậu là sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin, với sự hướng dẫn, hỗ trợ từ giảng viên Quách Luyl Đa.

Dự án giành được giải Nhì tại cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường đã tiếp thêm cho Khang niềm đam mê ứng dụng công nghệ hỗ trợ người nông dân; đồng thời tạo động lực để phát triển nghiên cứu, hoàn thành bài báo đầu tiên được đăng trên tạp chí Q3.

Nguyễn Quốc Khang (ngoài cùng bên phải) và thầy hướng dẫn Quách Luyl Đa (bên trái) bên poster Hệ thống quản lý trạng thái cà chua tại FPT Edu Research Festival năm 2023. Ảnh: NVCC
Nguyễn Quốc Khang (ngoài cùng bên phải) và thầy hướng dẫn Quách Luyl Đa (bên trái) bên poster Hệ thống quản lý trạng thái cà chua tại FPT Edu Research Festival năm 2023. Ảnh: NVCC

Sau cây lúa, Khang lại gặt hái giải thưởng với hệ thống kiểm tra tình trạng cây cà chua sử dụng Explainable AI. Đây cũng là nghiên cứu được cậu tâm đắc nhất và đã được đăng tải trên tạp chí Q1.

Theo Khang, nghiên cứu này không chỉ đạt hiệu quả trong việc nhận diện và phân loại bệnh mà còn đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy của mô hình AI; là một bước tiến lớn trong việc kết hợp lý thuyết và ứng dụng thực tiễn. Trong quá trình thực hiện, thách thức lớn nhất là dữ liệu không đồng nhất và ảnh hưởng của môi trường lên hình ảnh bệnh lý.

Đến nay, Khang đã có 14 công bố quốc tế về ứng dụng AI, trong đó có nhiều bài thuộc nhóm xếp hạng Q1, Q2, Q3 và các chỉ số ISI/Scopus; được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp bằng sáng chế về Hệ thống và phương pháp kích hoạt chip sinh học tích hợp AI định lượng nhanh mật độ mầm bệnh ngoài đồng.

Mục tiêu chính của các công trình nghiên cứu là tạo ra các hệ thống AI toàn diện, giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp. Cậu mong muốn các giải pháp của mình không chỉ chính xác mà còn dễ hiểu và thân thiện với người dùng.

“Những công trình nghiên cứu này giúp tôi xác định rõ mục tiêu nghiên cứu là phát triển AI bền vững trong các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp và y tế. Tôi dự định tiếp tục nghiên cứu về Explainable AI và xây dựng các hệ thống thông minh tích hợp AI nhằm cải thiện hiệu quả và tính minh bạch trong các ứng dụng thực tế”, Khang bày tỏ.

Nguyễn Quốc Khang trình bày nghiên cứu ứng dụng AI đối với cây lúa tại Thái Lan năm 2023. Ảnh: NVCC
Nguyễn Quốc Khang trình bày nghiên cứu ứng dụng AI đối với cây lúa tại Thái Lan năm 2023. Ảnh: NVCC

“Tôi chọn ĐH Hàn Quốc vì đây là một trong những trường đại học hàng đầu về AI, với đội ngũ giảng viên uy tín và cơ sở vật chất hiện đại. Ngoài ra, tôi may mắn được làm việc với Asso. Prof. Jin Tae Kwak, người có hướng nghiên cứu phù hợp với định hướng của tôi. Học bổng toàn phần tại đây không chỉ là cơ hội để tôi phát triển mà còn là bước khởi đầu vững chắc cho hành trình nghiên cứu sau này”, Nguyễn Quốc Khang cho biết.

Theo Xuân Tùng (TPO)