Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá cà phê, hồ tiêu tăng kỷ lục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đầu năm đến nay, giá cà phê và hồ tiêu liên tục tăng mạnh, phá vỡ kỷ lục. 

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là trên thị trường xuất hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng khi nhận định nguồn cung có thể khan hiếm trong thời gian tới.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá cà phê trong nước những ngày qua tiếp tục tăng mạnh. Giá trung bình của cà phê trong nước ngày 22/4 được thu mua với mức 122.500 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, giá cà phê còn lên mức 124.000 đồng/kg và dự báo chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê trong nước đã tăng gần gấp đôi, đây cũng là mức giá kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay.

Giá cà phê tăng kỷ lục khiến DN xuất khẩu lo hơn mừng.

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam niên vụ cà phê 2022 - 2023, Việt Nam phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê do nguồn cung trong nước thiếu hụt. Xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 4/2024 đạt 80.781 tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với cà phê, giá hồ tiêu tăng chưa từng có. Tại Đắk Lắk, giá tiêu ngày 22/4 giao dịch ở mức 98.000 đồng/kg, tại Gia Lai là 97.000 đồng/kg. Còn tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu ở Đồng Nai ở mức 96.500 đồng/kg, tại Bình Phước là 98.0000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 98.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng trong tuần qua, giá tiêu đã tăng từ 7.500 - 9.000 đồng/kg, đưa mức giá tiến sát lên mốc kỷ lục, gần 100.000 đồng/kg.

Nghi vấn đầu cơ?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, việc giá cà phê tăng mạnh, vượt mốc kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên các vùng cà phê trên toàn cầu đều rơi vào tình trạng khô hạn, mất mùa. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023 - 2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng cà phê giảm khoảng 10%.

Cùng với đó, việc liên tục xảy ra các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, nhất là tại khu vực Biển Đỏ đã khiến giá cước vận chuyển cà phê đến châu Âu - khu vực tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới bị đẩy lên cao. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu tư, khiến giá cà phê tăng nóng.

"Ở trong nước, do dự báo về cung cầu trong tương lai ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sẽ khiến nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt nên các doanh nghiệp, đại lý, nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng, đẩy giá cà phê tăng cao”, ông Hải nói.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho rằng, việc giá cà phê tăng cao khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, bởi hợp đồng đã ký buộc DN và các công ty nước ngoài vẫn phải mua để giao hàng. Hiện, 1 tấn cà phê DN phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng, trong khi số hợp đồng phải giao hàng trăm đến hàng nghìn tấn.

Theo ông Thông, nguyên nhân xuất phát từ tình trạng găm hàng. Những nhà đầu cơ lớn giữ nguồn cung khiến phần lớn thương lái không có khả năng giao trả hàng cho doanh nghiệp, kéo theo hiệu ứng “domino” khiến DN xuất khẩu không trả được đơn đã ký dẫn đến lỗ, hoặc phải đền tiền cọc.

Đối với hồ tiêu, giá tiêu trong 4 tháng đầu năm vẫn tăng cao ngay cả khi vụ thu hoạch đang diễn ra. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định, giá tăng một phần do nguồn cung giảm và biến động tỷ giá, song nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng đầu cơ dẫn đến giá hồ tiêu tăng nóng thời gian qua.

Theo VPSA, hồ tiêu thường được trồng xen với cà phê nên 2 mặt hàng này có sự liên quan mật thiết về giá. Thông thường, người dân sẽ bán cà phê khi giá cao để chuẩn bị tiền trữ hồ tiêu.

Năm nay, giá cà phê liên tục tăng vọt, người dân cũng giữ lại tiêu với kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh như cà phê, khiến nguồn cung ở mức thấp. Các đại lý và một số doanh nghiệp cũng có tình trạng găm hàng, chờ đợi giá tiêu tăng rồi mới bán ra, khiến thị trường càng khan hiếm.

Có thể bạn quan tâm