TN - Đất & Người

Giá cám heo cứ tăng vọt, nông dân chăn nuôi liểng xiểng, sao nuôi heo kiểu này ở Đắk Lắk vẫn "bình chân như vại"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tình hình giá cả thức ăn chăn nuôi tăng vọt, nhiều trang trại cũng như hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ ở Đắk Lắk phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng thì những hộ chăn nuôi heo gia công vẫn có thu nhập ổn định, không phải hứng chịu những rủi ro.
Xuất hiện trong những năm gần đây, chăn nuôi heo gia công là hình thức các công ty chăn nuôi đầu tư con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, cách xây dựng chuồng trại theo yêu cầu cho nông hộ. Đây được xem là hướng chăn nuôi an toàn, nông dân không phải lo lắng đầu ra sản phẩm và có thu nhập ổn định, lại ít phải chịu rủi ro.

Trang trại chăn nuôi heo gia công của gia đình ông Lê Tước (tổ dân phố 6, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).
Trang trại chăn nuôi heo gia công của gia đình ông Lê Tước (tổ dân phố 6, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).
Nhận thấy nhiều hộ chăn nuôi gia công tại địa phương có thu nhập cao, vào tháng 7/2021, gia đình ông Lê Tước (trú tổ dân phố 6, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) liên kết chăn nuôi theo hình thức gia công với một công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Bình Định. 
Ông đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng trang trại theo tiêu chuẩn của công ty đưa ra để đáp ứng đủ điều kiện; công ty hỗ trợ con giống, thức ăn, vắc xin phòng bệnh và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho gia đình.
Trang trại của ông Tước có quy mô 1.200 con heo thịt, xây dựng xa khu dân cư với diện tích 8 sào. Trang trại giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Sau khoảng 5 - 6 tháng, lúc heo đạt từ 100 - 110 kg, heo sẽ được xuất chuồng. 
Mỗi lứa heo xuất chuồng, gia đình ông thu về hơn 600 triệu đồng. Ông Tước chia sẻ: “Chăn nuôi heo theo hình thức gia công, tôi thấy rất khả quan, đặc biệt là trong thời điểm giá cám tăng vọt, gia đình tôi vẫn yên tâm bởi đầu ra, đầu vào đều do công ty bao tiêu, cũng không phải lo tình trạng giá cả bấp bênh”.
Từ năm 2014, gia đình anh Trần Hậu Quang (xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã hợp đồng với Công ty CP Việt Nam để chăn nuôi heo thịt áp dụng công nghệ cao. Anh Quang xây dựng trang trại đạt chuẩn trên diện tích 1.100 m2 tại xã Cư Êwi, với quy mô nuôi 950 con heo thịt/lứa, tổng vốn đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng. 
Hệ thống chuồng trại được xây dựng theo thiết kế đạt chuẩn của Công ty CP Việt Nam đặt ra, bảo đảm vệ sinh môi trường, với các dãy, ô chuồng có hệ thống làm mát, máng uống tự động… 
Công ty CP Việt Nam cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y. Bình quân mỗi năm, anh Quang xuất bán 2 lứa heo thịt, thu hơn 500 triệu đồng/năm. Như vậy, chỉ sau hai năm, gia đình anh đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.
Theo anh Quang, mô hình nuôi gia công cho các công ty lớn như Công ty CP Việt Nam có tính ổn định cao, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Sự hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết của đội ngũ kỹ thuật viên của các công ty sẽ hạn chế được rủi ro do dịch bệnh. 
Những lúc giá thịt heo hơi xuống thấp hay giá cám tăng cao như hiện nay thì việc lựa chọn hình thức chăn nuôi gia công là hợp lý, an toàn do giá thu mua ổn định, công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk) Trần Ngọc Sơn cho biết, chăn nuôi heo gia công là một hình thức liên kết sản xuất chăn nuôi có tính ưu việt, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. 
Đồng thời, nếu đạt những thông số giao khoán của các công ty đề ra theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công thì sẽ mang lại lợi nhuận tốt.
Hiện có 7 công ty đang triển khai sản xuất chăn nuôi heo theo mô hình này trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Công ty CP Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tương đối hoàn thiện theo hướng chuỗi liên kết kín đã hợp đồng với cơ sở giết mổ, sơ chế (phân mảnh) thịt heo để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, các công ty khác chủ yếu bao tiêu sản phẩm và xuất thô.
Để xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi heo gia công hiệu quả, lâu dài, các công ty nên tuân thủ những quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y và văn bản pháp luật khác liên quan, xây dựng nội dung hợp đồng hài hòa lợi ích hai bên, đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, khi tạo được vùng nguyên liệu rộng lớn, doanh nghiệp cần chủ động hoặc liên kết với đối tác khác để đưa sản phẩm heo nuôi gia công vào cơ sở giết mổ, chế biến và bảo quản với công nghệ hiện đại.
Đặc biệt, nên định hướng xây dựng thương hiệu để tiêu thụ trong nước và quốc tế theo hình thức sản xuất chuỗi khép kín, đồng bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm để phát triển bền vững.
Theo Khánh Thùy (Báo Đắk Lắk)
 

Có thể bạn quan tâm