Thể thao

Thể thao cộng đồng

Gia đình "cung thủ"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ở thôn 4 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) có một gia đình đặc biệt với đầy ắp những tấm huy chương cùng giấy khen. Người dân quanh vùng thường gọi là “gia đình cung thủ” bởi cha, mẹ và 2 con đều là những tay nỏ cự phách. 
Đó là gia đình anh chị Nguyễn Cao Nguyên-Nguyễn Thị Hồng. Vợ chồng anh có 4 người con thì 2 người con đầu là Nguyễn Cao Triều (SN 2000) và Nguyễn Cao Tiến (SN 2004) đều “nối nghiệp” cầm nỏ của cha mẹ. 
Cơ duyên với nỏ
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyên vào một ngày cuối năm. Căn nhà cấp 4 đã úa màu thời gian như sáng bừng một góc nhờ những tấm huy chương treo trên tường. Kế bên là những giấy khen ghi dấu chặng đường “chinh chiến” qua bao giải đấu bắn nỏ từ huyện đến tỉnh. Chưa kể hàng loạt giấy khen cùng huy chương được anh cất trong chiếc tủ gỗ do không đủ chỗ treo. Đó là tài sản quý giá đánh dấu sự tiếp nối truyền thống của gia đình “cung thủ”. 
Bên chén trà xanh, người “cung thủ” mang đam mê với môn thể thao truyền thống đã trải lòng về cái thú đặc biệt của mình. Từ nhỏ, cậu bé Nguyên đã thích gắn bó với rừng xanh. Cậu hay bắt chuyện và cùng hòa nhịp với cuộc sống buôn làng của người Bahnar trong vùng. Thế rồi, khi nhìn thấy những chiếc nỏ cùng tiếng mũi tên vun vút lao đi trong gió, cậu đã say mê tự lúc nào. 
Từ trái sang: Anh Nguyễn Cao Nguyên, chị Nguyễn Thị Hồng và con trai Nguyễn Cao Triều sát cánh cùng nhau qua các giải đấu. Ảnh: Văn Ngọc
Từ trái sang: Anh Nguyễn Cao Nguyên, chị Nguyễn Thị Hồng và con trai Nguyễn Cao Triều sát cánh cùng nhau qua các giải đấu. Ảnh: Văn Ngọc
Đam mê nỏ, anh Nguyên cũng bắt đầu tập bắn và làm chiếc nỏ cho riêng mình. Anh phải đi hàng chục cây số đến xã Ayun (huyện Mang Yang), vào những làng đồng bào thiểu số cạnh Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để “tầm sư học đạo”.
“Làm được một chiếc nỏ tốt rất khó bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt là phần cánh cung, chuẩn nhất phải làm từ loại cây bờ rũa mọc ven những con suối của vùng Ayun. Loại cây này có mọc ở một số nơi khác nhưng thường bị giòn, dễ gãy, không dẻo dai và đàn hồi. Cây làm cánh cung không quá non cũng không quá già. Dây cung cũng phải được tết từ thân cây gai để đạt được sự dẻo dai, chính xác nhất khi bắn”-anh Nguyên chia sẻ. Theo anh, người làm nỏ, căn chỉnh nỏ phải thực sự khéo léo như những nghệ sĩ đích thực. 
Ngoài thời gian làm việc đồng áng, anh Nguyên lại miệt mài trau chuốt cho những chiếc nỏ. Nhiều khi quên ăn, quên ngủ, anh tỉ mỉ căn chỉnh, hoàn thiện chiếc nỏ đến tận đêm khuya. Thế rồi, công sức và đam mê của anh cũng được đền đáp khi chính thức khoác áo vận động viên để tham gia các giải đấu cấp huyện và cấp tỉnh. Anh đã giành được rất nhiều huy chương, trong đó có tấm huy chương vàng tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn tỉnh năm 2014.
Đi theo cổ vũ chồng qua những giải đấu, chị Hồng cũng “bén duyên” với môn thể thao này. Cũng như chồng, chị Hồng giành không ít huy chương ở các giải đấu lớn, nhỏ. Điều đặc biệt hơn, cái gen xạ thủ ấy dường như “di truyền” cho các con và nó chảy trong huyết thống của gia đình.  
Tiếp nối đam mê
Những lần nhìn cha gọt giũa, căn chỉnh từng chi tiết cho chiếc nỏ, cậu con trai lớn Nguyễn Cao Triều đã tò mò và học theo. Năm 13 tuổi, cậu có thể tự làm một chiếc nỏ cho riêng mình. Thấy con đam mê, anh Nguyên đã đặt 1 tấm bia bắn ở góc sân cho Triều tập luyện hàng ngày. Triều chưa đủ sức kéo dây nỏ, anh Nguyên lại ở bên kéo giúp, đặt mũi tên cho con rồi chỉ dẫn, uốn nắn từng động tác. “Nhiều lúc thấy 2 cha con cặm cụi đến tận khuya mà thấy thương, nhưng cả 2 cùng say mê quá, nói sao cũng không được”-chị Hồng bày tỏ.
Anh Nguyên tâm sự: “Bắn nỏ không chỉ dựa vào khả năng, tinh thần vững vàng mà phải có kinh nghiệm. Nếu nắng to, dây nỏ căng lên thì phải nâng thước ngắm lên một chút để đạt điểm 10. Nếu sáng sớm hoặc buổi chiều tối thì cần hạ thước ngắm xuống. Triều tiếp thu nhanh nên chỉ cần điều chỉnh tâm lý mỗi khi thi đấu các giải lớn là sẽ có thể đạt nhiều thành tích”. 
Nguyễn Cao Triều thi đấu tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn tỉnh năm 2018. Ảnh: Văn Ngọc
Nguyễn Cao Triều thi đấu tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn tỉnh năm 2018. Ảnh: Văn Ngọc
Mang theo sự kỳ vọng của cha mẹ, Triều cũng trở thành niềm hy vọng vàng cho thể thao huyện Đak Đoa. Năm 2018, chàng trai 18 tuổi đã xuất sắc vượt qua hàng chục “cung thủ” kỳ cựu của các địa phương khác để giành tấm huy chương vàng tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn tỉnh.
Không chỉ Triều, cậu em trai Nguyễn Cao Tiến cũng khiến các thành viên trong gia đình tự hào. Năm 2015, khi mới 11 tuổi, Tiến đã tham gia Hội khỏe Phù Đổng huyện Đak Đoa cùng các “đàn anh” bậc THPT. Khi ấy, anh Nguyên là người đi theo kéo dây, lắp tên cho con. Đáp lại, Tiến đã xuất sắc giành vị trí số 1 với 82/100 điểm, vượt xa vận động viên giành huy chương bạc đến 27 điểm. Tuy nhiên, khi được đại diện huyện Đak Đoa tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, Tiến đành bỏ cuộc vì điều lệ không cho phép người khác kéo giúp dây nỏ.
Bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa:“Gia đình anh Nguyễn Cao Nguyên là niềm tự hào của thể thao huyện Đak Đoa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho anh Nguyên để tiếp tục lan tỏa môn thể thao truyền thống này”. 
Dù đã vào TP. Hồ Chí Minh học nghề cắt tóc nhưng Tiến vẫn không quên tập luyện bắn nỏ. Cuối tháng 11-2020, trong khuôn khổ Lễ hội đồi cỏ hồng, Tiến đã xuất sắc giành huy chương vàng, anh Nguyên đạt huy chương bạc còn Triều đạt huy chương đồng. Chứng kiến những vận động viên đạt giải hôm ấy, nhiều du khách vô cùng ngỡ ngàng vì biết họ là cha con trong một gia đình.   
Trăn trở với môn bắn nỏ
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nguyên luôn trăn trở trước nguy cơ mai một của môn thể thao truyền thống này. Anh chia sẻ: “Ở các làng dân tộc thiểu số, người làm nỏ, căn chỉnh nỏ đang hiếm dần. Nếu ở huyện có câu lạc bộ bắn nỏ cho những người yêu thích bộ môn này cùng sinh hoạt, tập luyện, trao đổi kinh nghiệm thì có thể thu hút được nhiều người tham gia hơn. Cũng có thể áp dụng vào các trường học như một số nơi đã làm ví dụ như Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) đã làm để khơi dậy niềm yêu thích môn bắn nỏ cho các em học sinh”. 
Anh Nguyễn Cao Nguyên tự hào với những giấy khen của cả gia đình qua các giải đấu. Ảnh: Văn Ngọc
Anh Nguyễn Cao Nguyên tự hào với những giấy khen của cả gia đình qua các giải đấu. Ảnh: Văn Ngọc
Cũng theo anh Nguyên, một số địa phương, trường học đã mời anh về làm huấn luyện viên bắn nỏ trước mỗi kỳ thi đấu. Năm 2018, anh được Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa tặng giấy khen cho công tác huấn luyện vận động viên đạt thành tích cao tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn tỉnh lần thứ VIII.
“Tôi mong muốn được truyền đạt kinh nghiệm cho những vận động viên trẻ. Bản thân tôi cũng không ngừng học hỏi từ những người khác. Vừa rồi, tôi mua mấy chiếc nỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc về tìm hiểu nhằm hoàn chỉnh chiếc nỏ của mình. Tôi chưa một lần được tham dự giải đấu cấp quốc gia nên hy vọng sau này, các con tôi sẽ có thể tiếp nối giấc mơ này”-anh Nguyên trải lòng.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm