Xã hội

Gia Lai: 35 trường học được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 9-5, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai do ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh-làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 của Chính phủ.
 

 

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 49 trường trực thuộc Sở với gần 41.900 học sinh; trong đó có 35 trường được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ (7 trường nằm ở xã, thôn đặc biệt khó khăn). Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách và công tác xét duyệt học sinh thuộc diện thụ hưởng chính sách được triển khai tích cực, đúng quy trình, quy định.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi



Từ năm học 2016-2017 đến nay, chính sách hỗ trợ cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đã mang lại hiệu quả thiết thực; kịp thời giúp đỡ, động viên các em học sinh vùng khó tiếp tục đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học, từ đó nâng cao chất lượng học tập. Thực hiện Nghị định 116, tỉnh đã cấp hỗ trợ 948.460 kg gạo cho 16.255 học sinh (2 đợt/năm); tổng kinh phí hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở gần 34,7 tỷ đồng. Thống kê từ Sở Tài chính, nguồn kinh phí hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú theo Nghị định 116 từ 2016-2019 gần 186,5 tỷ đồng; tổng chi từ 2016 đến tháng 3-2019 là hơn 142,1 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát và đại diện các sở, ngành đã tập trung trao đổi làm rõ, đề xuất những vấn đề như: chính sách hỗ trợ cho học sinh ở thôn, xã thuộc vùng 3 nhưng theo học tại trường thuộc xã vùng 2; giảm mức cự ly, khoảng cách quy định để tạo điều kiện hỗ trợ hơn nữa cho nhiều học sinh có thể đến trường; tăng số đợt cấp gạo hỗ trợ lên 3 đợt/năm học; trách nhiệm trong công tác xét duyệt học sinh thuộc diện thụ hưởng chính sách; thực hiện sao cho đúng tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh; một số địa phương còn cứng nhắc trong quá trình thực hiện, dẫn đến thiệt thòi cho nhiều học sinh…

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm