Điểm đến Gia Lai

Gia Lai ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) -Ngày 3-11, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 2541/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo đó, Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Đồi chè ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông)-điểm đến du lịch xanh. Ảnh: Phan Nguyên
Đồi chè ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông)-điểm đến du lịch xanh. Ảnh: Phan Nguyên
Cụ thể, Kế hoạch góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí thông qua bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,75% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích).
Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. 
Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.
Cùng với đó, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 50% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; tăng năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. 
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 40%; 80% rác thải hữu cơ ở đô thị và 60% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; hạn chế tối đa việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình KTTH ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.
Cánh đồng điện gió xã Ia Pết (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hùng Hoa Lư
Cánh đồng điện gió xã Ia Pết (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hùng Hoa Lư
Mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động từ kinh tế tuần hoàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao quán triệt, tuân thủ và thực hiện đầy đủ, rõ ràng, nhất quán quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn tại Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch này; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; định kỳ hàng năm (hoặc đột xuất) báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30-11 để tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh theo quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội đối với môi trường nói chung và chủ động tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Chủ động trao đổi, cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; kịp thời đề xuất giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh.
TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm