Thời sự - Sự kiện

Gia Lai ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8-1-2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20-12-2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 và Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27-12-2024 về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025, với quyết tâm chính trị cao, năm 2025, tỉnh Gia Lai xác định tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) với kịch bản cao là 8,06% và với kịch bản phấn đấu là 10,06%. Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước đạt 6.985 tỷ đồng, cao hơn 10% so với thực hiện năm 2024 (tăng 550 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao).

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành cao nhất trên các lĩnh vực, với 7 trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung (thứ 3 từ phải qua) cùng đoàn khảo sát của tỉnh kiểm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại huyện Chư Păh. Ảnh. Đức Thụy

Cụ thể 7 trọng tâm là bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; lấy phát triển để duy trì ổn định; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhất quán, thống nhất, linh hoạt, kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ, thông suốt, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi.

Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thực thi pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế để kiến tạo thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới cho phát triển; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân, lan tỏa khát vọng xây dựng tỉnh Gia Lai giàu mạnh.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế. Ảnh: Đinh Yến

Với 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ các điểm nghẽn; tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi.

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số. Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng-chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị.

Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Căn cứ vào Kế hoạch hành động và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh về triển khai nhiệm vụ năm 2025 và Chương trình công tác năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại kế hoạch, chủ động đề ra các giải pháp mới, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm.

Có thể bạn quan tâm