Xã hội

Đời sống

Gia Lai triển khai Đề án về nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ký ban hành Kế hoạch số 270/KH-UBND ngày 6-2-2025. 

Đó là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

z6299234238715-0860d95d45d8bf02a92f58372d951f24.jpg
Trạm kiểm soát Dịch bệnh động vật Song An tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật ra vào tỉnh. Ảnh: N.Diệp

Mục tiêu chung của Kế hoạch là nâng cao năng lực trong thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các Hiệp định thương mại tự do trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế; nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất, nhập khẩu; tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Gia Lai

Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025: 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ; 100% cơ sở được phổ biến cẩm nang hướng dẫn tuân thủ các biện pháp SPS các mặt hàng và thị trường trọng điểm tương ứng cho Trung ương xây dựng; kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường theo cơ cấu tổ chức của Trung ương; kết nối và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS của thị trường giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý của tỉnh và hệ thống SPS của Việt Nam. Định hướng đến năm 2030: Đẩy mạnh kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý của tỉnh và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

Nội dung Kế hoạch gồm 8 nhóm nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về SPS; triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực phân tích và đánh giá rủi ro đối với các mối nguy mất an toàn thực phẩm, sinh vật gây hại và dịch bệnh; hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế về SPS; thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và chứng nhận; công nhận lẫn nhau về SPS; kiện toàn đầu mối hỏi đáp về SPS; về khoa học của công nghệ. Và 7 nhóm giải pháp thực hiện: Về nâng cao nhận thức; kiện toàn đầu mối hỏi đáp về SPS; cơ chế, chính sách; nguồn lực; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội; các biện pháp khẩn cấp; công tác dự báo, kiểm tra, giám sát.

Về kinh phí thực hiện Kế hoạch gồm: Ngân sách Nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành; nguồn lồng ghép từ các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt; các nguồn tài trợ, huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Căn cứ về nhiệm vụ được giao, các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ được giao

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 10-12 hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Có thể bạn quan tâm