Xã hội

Gia Lai ban hành phương án thực hiện hạn chế khai thác nước dưới đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Phương án số 381/PA-UBND về tổ chức thực hiện hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn.
Mục tiêu tổng quát của phương án là nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung đảm bảo chất lượng, khối lượng nước. Hạn chế sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước so với trạng thái tự nhiên hoặc so với trạng thái của nguồn nước đã được quan trắc trong các thời kỳ trước đó. Hạn chế việc khai thác nước dưới đất quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn nước làm cho nguồn nước không còn khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng và duy trì hệ sinh thái thủy sinh.
Tỉnh cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Các khu vực thuộc vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4 và vùng hỗn hợp được thực hiện theo quy định về lộ trình thực hiện từng biện pháp hạn chế khai thác. Trung bình hàng năm dừng khai thác, trám lấp từ 15-20% số lượng công trình khai thác hiện có tại các khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung hoặc tại các khu vực liền kề đã có điểm đấu nối của hệ thống cấp nước tập trung. Đến năm 2030 dừng khai thác, trám lấp toàn bộ số lượng công trình khai thác hiện có còn lại tại các khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung hoặc tại các khu vực liền kề đã có điểm đấu nối của hệ thống cấp nước tập trung.
Tỉnh Gia Lai có 24 khu vực xung quanh giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm. Ảnh: Hồng Thương
Tỉnh Gia Lai có 24 khu vực xung quanh giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm. Ảnh: Hồng Thương
Đề án điều tra, đánh giá, khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 đã khoanh định được các khu vực thuộc các vùng hạn chế 1, hạn chế 2, hạn chế 3, hạn chế 4 và vùng hạn chế hỗn hợp. Cụ thể: Vùng hạn chế 1 bao gồm 25 khu vực, trong đó: 1 khu vực xung quanh bãi rác/bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, 24 khu vực xung quanh giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm. Vùng hạn chế 2 bao gồm 10 khu khu vực, là vùng có mực nước động trong giếng khai thác vượt quá mực nước cho phép hoặc mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức, bao gồm 10 khu vực, với tổng diện tích khoanh định được là 3,43 km2. Vùng hạn chế 3 bao gồm 206 khu vực.
Vùng hạn chế 3 là vùng đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung có chức năng cấp nước sinh hoạt hoặc chưa được đấu nối nhưng có điểm đấu nối liền kề của hệ thống cấp nước tập trung và sẵn sàng để cung cấp nước sạch đảm bảo nhu cầu sử dụng nước về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước, với tổng diện tích khoanh định được là 338,45 km2.
Vùng hạn chế 4 là khu dân cư, khu công nghiệp tập trung không thuộc vùng hạn chế 3 và cách nguồn nước mặt có chức năng cấp nước sinh hoạt không quá 1.000 m, xung quanh khu vực Biển Hồ với tổng diện tích khoanh định được là 14,85 km2.
Vùng hạn chế hỗn hợp: bao gồm 9 khu vực. Sau khi khoanh định các vùng hạn chế 1, 2, 3 và 4 đã xác định các vùng hạn chế hỗn hợp là các khu vực mà các vùng hạn chế 1, 2, 3 và 4 chồng lấn nhau. Các vùng hạn chế hỗn hợp ở tỉnh Gia Lai bao gồm các vùng như sau: Vùng hạn chế hỗn hợp chồng lấn giữa vùng hạn chế 1 và vùng hạn chế 3 phân bố một số khoảnh nhỏ ở TP. Pleiku với tổng diện tích khoanh định là 3,83 km2. Vùng chồng lấn giữa vùng hạn chế 2 và vùng hạn chế 3 khoảnh phân bố hạn hữu ở khu vực phía Tây Nam TP. Pleiku với tổng diện tích khoanh định là 0,26 km2.
Tại phương án, UBND tỉnh cũng đặt ra các biện pháp hạn chế cũng như lộ trình thực hiện từng biện pháp hạn chế đối với từng vùng theo đề án về việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất. 
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm