Xã hội

Lao động - Việc làm

Gia Lai bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã góp phần giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ) và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp với hơn 9.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 60.000 lao động. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Thời gian qua, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chú trọng công tác ATVSLĐ nên xảy ra một số vụ TNLĐ thương tâm.

Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động thiếu trang bị bảo hộ lao động; thiếu các khóa huấn luyện an toàn lao động, không sử dụng thiết bị bảo hộ đúng cách; trang-thiết bị, máy móc không đảm bảo an toàn; NLĐ và người sử dụng lao động chủ quan, lơ là trong quá trình làm việc.

Lao động làm ở Nhà máy đá granite Quốc Duy được hướng dẫn quy trình ATVSLĐ, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả. Ảnh: Đinh Yến

Lao động làm ở Nhà máy đá granite Quốc Duy được hướng dẫn quy trình ATVSLĐ, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả. Ảnh: Đinh Yến

Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 89 buổi hội thảo, hội nghị về công tác ATVSLĐ với gần 10.000 lượt người tham gia. Các cơ quan, ban, ngành phát động được 32 phong trào thi đua về ATVSLĐ; biên soạn, phát hành 3.155 ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền về công tác ATVSLĐ. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng đã tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ cho gần 20.000 lượt lao động; khám sức khỏe định kỳ cho 22.442 lao động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiến hành bồi dưỡng bằng hiện vật cho 8.156 lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm với số tiền trên 19,46 tỷ đồng; đồng thời, mua sắm, trang bị phương tiện bảo hộ lao động với số tiền trên 13,35 tỷ đồng. Tổ chức đo kiểm môi trường lao động tại nơi làm việc với trên 5.207 mẫu đo, qua đó kịp thời phát hiện 463 mẫu đo không đạt yêu cầu để thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động.

Điểm nổi bật trong công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình như Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với ngành Y tế tổ chức huấn luyện an toàn và sơ cấp cứu; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ; khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ tại các công ty; quan trắc môi trường lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Công đoàn ngành Nông nghiệp phối hợp kiểm tra hơn 100 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng, sản xuất kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản, thu trên 1.000 mẫu sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Ông Trương Quốc Cường-Giám đốc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai-cho biết: “Hàng năm, Công ty mời chuyên gia đến huấn luyện ATVSLĐ, an toàn hóa chất cho toàn bộ NLĐ. Chúng tôi đã đầu tư 2 hệ thống chữa cháy tự động bằng thiết bị chữa cháy Foam (hệ thống chữa cháy bằng bọt) với kinh phí hàng tỷ đồng. Nếu không may xảy ra sự cố cháy nhỏ thì NLĐ đều nắm vững phương pháp để xử lý”.

Tăng cường bảo đảm an toàn lao động

Hàng năm, Tháng cao điểm hành động về ATVSLĐ (tháng 5) được các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt triển khai với các hoạt động như: truyền thông về ATVSLĐ; hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ; khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác ATVSLĐ.

Công nhân Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Ảnh: Đ.Y

Công nhân Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Ảnh: Đ.Y

Ông Lưu Quốc Thạnh-Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa) cho biết: “Hàng năm, Công ty sản xuất các loại sản phẩm chanh dây theo tiêu chí chất lượng và an toàn. Đối với các loại máy móc nằm trong danh mục cần được kiểm định an toàn theo quy định, Công ty mời bên thứ ba có chức năng tiến hành kiểm định.

Bên cạnh đó, Công ty cũng thường xuyên thiết lập kế hoạch bảo dưỡng máy móc nhằm bảo đảm các loại máy đều trong tình trạng hoạt động tốt và an toàn nhất. Nhờ vậy, Công ty chưa để xảy ra bất kỳ TNLĐ nào”.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin thêm: “Thời gian tới, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ATVSLĐ. Tiếp tục hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, nhất là NLĐ phụ trách mảng công tác ATVSLĐ.

Cùng với đó, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp không chấp hành tốt công tác ATVSLĐ”.

Có thể bạn quan tâm