Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai: Báo động tình trạng gia tăng tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 tăng đột biến, làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến thanh-thiếu niên đang ở mức báo động.

Trong tháng 9-2022 (tính từ ngày 15-8 đến 14-9), toàn tỉnh xảy ra 30 vụ TNGT, làm 26 người chết, 15 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, TNGT tăng 14 vụ, tăng 14 người chết và tăng 7 người bị thương. Các địa phương để TNGT xảy ra nhiều trong tháng 9 lần lượt là TP. Pleiku với 6 vụ, 7 người chết; huyện Chư Sê 4 vụ, 3 người chết; Chư Prông 4 vụ, 4 người chết. Trong đó, các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến thanh-thiếu niên đang ở mức báo động.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra ngày 14-9 tại huyện Kông Chro khiến 3 người thương vong. Ảnh: L.A
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra ngày 14-9 tại huyện Kông Chro khiến 3 người thương vong. Ảnh: Lê Anh

Điển hình như vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 11-9 tại TP. Pleiku. Vào thời điểm trên, Trương Văn Chung (SN 1988, trú tại tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển xe ô tô (chưa đăng ký, đăng kiểm) lưu thông theo hướng từ xã Chư Á đi trung tâm TP. Pleiku. Khi đến ngã ba đường Lê Duẩn-Nguyễn Tuân (thuộc tổ 1, phường Thắng Lợi), xe ô tô này đã tông trực diện vào xe máy BKS 81K5-0363 do cháu K.D. (SN 2009) chở theo 2 em ruột là cháu K.G. (SN 2012) và cháu K.N. (SN 2015, cùng trú tại làng Chuét Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) đang rẽ từ đường Lê Duẩn qua đường Nguyễn Tuân. Vụ tai nạn khiến cháu D. và cháu G. tử vong. Riêng cháu N. sau nhiều ngày cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do chấn thương nặng đã chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng II (TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị nhưng đến ngày 18-9 cũng tử vong. Hay như ngày 14-9, vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra tại Km 338+00 đường Trường Sơn Đông (thuộc thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro) giữa 2 xe máy làm 2 nạn nhân sinh năm 2000 và 2007 tử vong, 1 nạn nhân sinh năm 2003 bị thương.
 

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 253 vụ TNGT, làm 179 người chết và 209 người bị thương (tăng 22 vụ, tăng 13 người chết và tăng 31 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021). Đặc biệt, trong 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 18 người chết.

Ông Phan Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông huyện Kông Chro-cho biết: Tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện đang diễn ra phức tạp, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số, thanh-thiếu niên chiếm phần lớn và chủ yếu xảy ra vào đêm khuya nên khó kiểm soát. Ngoài những nguyên nhân khách quan như hệ thống đường giao thông còn nhiều bất cập thì TNGT xảy ra chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, đặc biệt là đối tượng thanh-thiếu niên điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ quy định. Cùng với đó, một số địa phương dù có triển khai việc kiểm điểm, răn đe, giáo dục các cá nhân vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại nơi cư trú nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Cấp ủy, chính quyền một số xã chỉ đạo hoạt động của lực lượng Công an xã và tổ tự quản an toàn giao thông chưa quyết liệt, mạnh mẽ...

Trước tình hình đó, ngày 16-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đã ký Công văn hỏa tốc số 2112/UBND-NC gửi các ngành, địa phương về việc tăng cường chỉ đạo, triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông 3 tháng cuối năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của thanh-thiếu niên, nhất là thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số; tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT như: vi phạm nồng độ cồn; chạy xe quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; người chưa đủ tuổi, người không có giấy phép lái xe theo quy định vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 979/KH-CAT-PV01 ngày 15-9-2021 của Công an tỉnh về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng-chống tội phạm tại địa bàn cơ sở; tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa Phòng Cảnh sát Giao thông với Công an cấp huyện có tuyến quốc lộ đi qua.  

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao Sở Giao thông-Vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 tại địa bàn cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường kiểm tra, làm việc với các địa phương có TNGT tăng cao; kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương, đơn vị và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và hướng dẫn thực hành kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với thanh-thiếu niên, nhất là thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số nhằm làm chuyển biến hành vi của đối tượng này, góp phần kéo giảm TNGT một cách bền vững.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng và địa phương rà soát, điều tra cơ bản, nắm chắc địa bàn, tuyến đường, lập danh sách phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện nhưng chưa có giấy phép lái xe; nâng cao hiệu quả công tác gọi hỏi, răn đe, giáo dục số thanh-thiếu niên càn quấy, thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông. Huy động lực lượng Công an và tổ tự quản an toàn giao thông cấp xã thiết lập trật tự an toàn giao thông tại địa bàn cơ sở; liên tục tuần tra, kiểm soát tại tất cả các tuyến, địa bàn trong phạm vi phụ trách vào các thời gian cao điểm, buổi tối, đêm khuya, các ngày nghỉ để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

 

 LÊ ANH

 

Có thể bạn quan tâm