Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai: Buông lỏng quản lý các cơ sở spa, thẩm mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự nở rộ các cơ sở spa, thẩm mỹ trong thời gian rất ngắn đã khiến thị trường làm đẹp ở Gia Lai trở nên bát nháo với đủ loại hình dịch vụ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các điều kiện về y tế.

Mặc sức tung hoành

Chưa bao giờ việc làm đẹp, thay đổi nhân tướng, hình dạng “mẹ cha cho” lại trở nên dễ dàng như bây giờ. Không khó để chúng tôi tìm tới một spa nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Pleiku) và được nhân viên tư vấn nhiệt tình từ việc tạo má lúm đồng tiền, nhấn mí mắt, thậm chí là tiêm chất làm đầy mũi, độn cằm. Trong khi đó, những dịch vụ này theo quy định chỉ được thực hiện trong bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc thẩm mỹ viện đã được ngành Y tế cấp phép.

 
Minh họa: NHỐP
Minh họa: NHỐP

Mặc dù treo biển spa nhưng nhiều spa trên địa bàn TP. Pleiku lại ngang nhiên quảng cáo công khai các dịch vụ thuộc lĩnh vực thẩm mỹ như: xăm mắt, môi, lông mày, cắt mí mắt, chống mũi, tắm trắng siêu cấp... Chưa nói đến việc vi phạm nghiêm trọng phạm vi hành nghề, ngay cả giấy phép cho hoạt động spa thì các cơ sở này cũng đều chưa có. Ông Tào Quang Bích-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết: “Hiện trên địa bàn TP. Pleiku mới chỉ có 2 cơ sở thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép là Thẩm mỹ Á Đông ở đường Ngô Gia Tự và Phòng khám chuyên khoa da liễu và lazer thẩm mỹ Thy Mai đường Cách Mạng Tháng Tám. Trong khi con số thực tế không có giấy phép hoạt động cao gấp nhiều chục lần”.

Dù vậy, nhiều khách hàng vẫn lao vào các dịch vụ làm đẹp, bỏ qua các điều kiện về y tế, không màng đến hậu quả khôn lường nếu không may gặp biến chứng trong quá trình thẩm mỹ. Chị Huỳnh Thị Tuyết Mai-đường Cao Thắng (TP. Pleiku) cho biết, cách đây 10 năm chị đã đi chống mũi tại một cơ sở thẩm mỹ tại Phố núi. Chị thừa nhận: “Lúc đó, tôi không biết người thực hiện có phải là bác sĩ, có năng lực chuyên môn hay không, cũng không biết cơ sở này đã được cấp phép hoạt động hay chưa, tôi quyết định chống mũi một cách rất cảm tính vì thấy nhiều người làm đẹp thì bắt chước làm theo”. Hai cô gái trẻ V.T.H. và L.S. (đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) mới đây cũng đã rủ nhau đi cắt mí mắt tại một spa với giá 2,5 triệu đồng/người. Khi được hỏi có biết spa không được phép thực hiện thẩm mỹ hay không, 2 cô gái trẻ chỉ... cười trừ.

“Tay ngang là phang”

Do đâu các cơ sở spa, thẩm mỹ mặc sức tung hoành trong lĩnh vực “dao kéo”-vốn là lĩnh vực đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe về y tế vì ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng con người? Chị N.T.-chủ một cơ sở spa trên đường Nay Der (TP. Pleiku) cho biết: “Suốt 2 năm spa của tôi hoạt động trên đường Nguyễn Viết Xuân, sau đó chuyển về đường Nay Der, mặc dù nằm ngay mặt đường nhưng không có bất cứ cơ quan chức năng nào đến kiểm tra dù chỉ 1 lần”. Chị N.T. cho biết thêm: “Dịch vụ spa kiếm tiền khá dễ do đánh trúng tâm lý, trào lưu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe của chị em. Do việc hoạt động spa quá dễ dàng, không bị ai kiểm tra, quản lý nên nhiều tiệm cắt tóc gội đầu cũng lấn sân sang lĩnh vực này mà không cần hiểu spa là gì, cần điều kiện cơ sở vật chất như thế nào”.

Là người trong nghề, chị N.T. thừa nhận, chính chị cũng thấy sợ trước sự làm bừa, làm ẩu, không đúng chuyên môn, cứ “tay ngang là phang” của chủ các cơ sở spa, thẩm mỹ trên địa bàn: “Bây giờ tìm được spa đúng nghĩa ở Phố núi Pleiku không nhiều, phần lớn đều kiêm thêm dịch vụ thẩm mỹ, ngay cả những spa rất nhỏ, sơ sài về cơ sở vật chất nhưng nếu khách có nhu cầu gì về thẩm mỹ là họ nhận làm tất”. Chị N.T. cũng “bóc mẽ” nhiều chiêu trò của các spa để móc  túi khách hàng: “Các spa quảng cáo thay da sinh học, tắm trắng siêu cấp nhưng thực tế là lột da. Mà hóa chất lột da này mua một cách dễ dàng ở chợ trời trong TP. Hồ Chí Minh. Còn thủ thuật nhấn mí, cắt mí mắt, làm má lúm đồng tiền, xăm mắt, môi, lông mày... nhiều người chỉ cần học một khóa ngắn hạn ở các thành phố lớn với chi phí 1,5 triệu đồng/khóa là về có thể làm ngay cho khách hàng”.


 

Theo quy định tại Điều 37, Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của bộ phận trên cơ thể; xăm, phun thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
 

Cơ quan chức năng lúng túng

Sự thiếu hiểu biết của công dân trong việc đăng ký các loại giấy phép hành nghề, cộng với sự lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến việc các cơ sở spa, thẩm mỹ tung hoành, công khai hoạt động với nhiều dịch vụ trái ngành nghề mà vẫn không bị cấp quản lý nào “sờ gáy”. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề gây nhiều lúng túng cho cơ quan chức năng. Ngành Y tế tỉnh thừa nhận đây là vấn đề đau đầu của ngành do Bộ Y tế không có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý các cơ sở này. “Trước đây hoạt động này giao cho ngành Y tế quản lý, nhưng từ khi Luật Khám-chữa bệnh ra đời thì nó lại có những quy định riêng, không thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y nữa. Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn không giao rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý cụ thể nào: cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, Quản lý Thị trường hay ngành Y tế”-ông Tào Quang Bích cho biết.

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y nói thêm, Nghị định 109 của Chính phủ ban hành có hiệu lực từ tháng 7-2016, và chính thức được triển khai đầu năm 2017 với những quy định rõ ràng về phạm vi và lĩnh vực chuyên môn của hoạt động spa, thẩm mỹ. Tuy nhiên, các quy định, luật định đi sau sự phát triển rầm rộ của các loại hình này gây nhiều khó khăn cho các cấp quản lý. “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, quản lý, mạnh tay chấn chỉnh các hoạt động này”-ông Bích cho biết.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm