Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai cần nhân rộng các mô hình trồng xen canh hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 19-9, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Văn Tiến-Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và PTNT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển cây cao su trong những năm qua. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cùng lãnh đạo các sở, ngành, một số địa phương và các công ty, doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tỉnh.

 

Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.D

Hiện nay cây cao su được trồng tại 11/17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh với diện tích 96.289,2 ha, trong đó cao su kinh doanh 74.765 ha, chiếm gần 75% tổng diện tích và cao su tiểu điền 14.867,3 ha, chiếm 15,4% diện tích. 3 địa phương có diện tích phát triển mạnh là Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai với diện tích lên đến 65.868,3 ha, chiếm 68,4%. Từ năm 2016 đến nay do giá mủ cao su giảm mạnh đã ảnh hưởng đến việc đầu tư và sản lượng khai thác mủ.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp phát triển cây cao su từ nay đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển cây cao su tại 11 huyện, thành phố để cung cấp nguyên liệu cho 10 nhà máy chế với công suất gần 100.000 tấn/năm. Đối với diện tích 12.309,4 ha bị chết và kém phát triển, trong đó 12.039 ha đã có chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi sang trồng rừng và các loại cây khác. Vì vậy, từ nay đến năm 2030, tỉnh giữ nguyên diện tích cao su khoảng 88.000 ha, năng suất khoảng 16,3 tấn/ha; đồng thời thực hiện một số giải pháp quy hoạch quản lý đất đai, kiến nghị Chính phủ có cơ chế cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp vay vốn phát triển cao su; khoanh nợ, giãn nợ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.D



Tại buổi làm việc ông Nguyễn Văn Tiến cho hay: cao su, cà phê và hồ tiêu là những cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, vì vậy cần tránh tình trạng giá lên cao thì ồ ạt trồng còn ngược lại chặt bỏ. Tỉnh cần lập quy hoạch và kế hoạch phát triển đất trồng cao su đến năm 2030 nhất là những vùng trồng cao su phát triển tốt. Trước tình trạng biến đổi khí hậu của vùng Tây Nguyên cần lựa chọn cây trồng đảm bảo giữ nước, chống xói mòn không để xảy ra tranh chấp nước tưới. Đặc biệt, cần nhân rộng một số mô hình trồng xen canh cây trồng khác dưới tán cao su để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nếu nằm trong vùng đủ điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên chuyển đổi chứ không nhất thiết trồng cao su. Cần có chính sách hỗ trợ người dân có diện tích cao su tiểu điền liên kết với doanh nghiệp để phát triển đảm bảo đời sống, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Phải đưa gỗ cao su vào nguồn doanh thu; các đơn vị trồng và sản xuất cao su khi trồng các loại cây trồng khác phải báo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng chính quyền địa phương để theo dõi…

Tham quan mô hình trồng khoai lang Nhật Bản xen canh trong vườn cao su tái canh của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Ảnh: N.D

NGUYỄN DIỆP




 

Có thể bạn quan tâm