Kinh tế

Gia Lai: Cảnh báo cháy rừng ở khu vực phía Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai đang bước vào cao điểm của mùa khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động phòng-chống cháy rừng (PCCR), các cơ quan chuyên môn, đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra.

Theo Chi cục Kiểm lâm, 216.153 ha rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy cao. Từ đầu mùa khô đến nay, các đơn vị chủ rừng đã triển khai đốt trước có điều khiển khoảng 789 ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy và làm 19 km đường ranh cản lửa.

Ông Nguyễn Văn Tường-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn (huyện Chư Pưh) thông tin: Đơn vị đã phân vùng, xác định các vùng trọng điểm cháy trong mùa khô 2022-2023 với diện tích hơn 6.297 ha. Chúng tôi đã cử lực lượng túc trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm cháy nhằm phát hiện sớm các đám cháy rừng.

Đồng thời, kiểm soát các hoạt động của người dân ra vào rừng để khuyến cáo bà con không sử dụng lửa rừng bừa bãi. Đặc biệt, 100% cán bộ, công chức của đơn vị đã cài đặt sử dụng phần mềm phát hiện sớm cháy rừng Hotsbot GLA để nhanh chóng nắm bắt thông tin khi có sự cố xảy ra.

Còn ông Đinh Văn Khẩn-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (huyện Chư Prông) thì cho biết: “Chúng tôi đã ký quy chế phối hợp trong PCCCR với các đồn Biên phòng, Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) và UBND xã Ia Mơr vào các tháng cao điểm của mùa khô. Tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ tại các điểm dễ xảy ra cháy rừng để ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra”.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chủ động phát dọn thực bì rừng trồng trong mùa khô. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chủ động phát dọn thực bì rừng trồng trong mùa khô. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, diện tích rừng tại huyện Chư Păh đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang, Đak Đoa, Đức Cơ và TP. Pleiku đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Vì vậy, công tác chủ động ứng phó đang được cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và chủ rừng tích cực triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.

“Với phương châm phòng là chính, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhằm phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” gồm lực lượng khoảng 90 người cùng các phương tiện cần thiết. Ngoài ra, chúng tôi còn chuẩn bị lương thực, thuốc men, nhiên liệu để sẵn sàng ứng phó nếu có xảy ra cháy rừng. Dù vậy, khó khăn hiện nay là kinh phí đầu tư các công trình PCCCR hàng năm còn thiếu, diện tích rừng của đơn vị trải dài và nằm đan xen vùng sản xuất nương rẫy của người dân. Bên cạnh đó, trang-thiết bị PCCCR còn thô sơ, chỉ đáp ứng ở những địa hình bằng phẳng, quy mô nhỏ”-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn bộc bạch.

Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp PCCCR. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở các địa phương và chủ rừng thực hiện nghiêm công tác PCCCR.

Từ nay đến cuối mùa khô, Ban Chỉ huy PCCCR của các địa phương, đơn vị chủ rừng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc và bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy. Hướng dẫn người dân xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy không để xảy ra cháy rừng. Chuẩn bị sẵn các phương án, phương tiện, trang-thiết bị, dụng cụ để ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Có thể bạn quan tâm