Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Chủ động phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018, mùa mưa kéo dài đã làm hàng ngàn héc ta hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chết vì ngập úng. Rút kinh nghiệm, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, nông dân và các cơ quan chức năng đã triển khai các giải pháp nhằm chủ động phòng tránh dịch bệnh trên cây hồ tiêu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, trên cây hồ tiêu hiện chủ yếu xuất hiện các loại bệnh như: bệnh héo chết nhanh với diện tích nhiễm 245,2 ha (nhẹ 214,7 ha, trung bình 28 ha, nặng 2,5 ha) và bệnh vàng lá chết chậm do nấm, tuyến trùng rễ, rệp sáp gốc với 2.106,4 ha (nhẹ 938,7 ha, trung bình 467,7 ha, nặng 700 ha). Ngoài ra, các bệnh thán thư, rệp sáp cũng gây hại rải rác tại các vùng trồng hồ tiêu của tỉnh Gia Lai.
Vườn hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ của ông Nguyễn Tấn Công (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) phát triển rất tốt. Ảnh: L.N
Trước thực tế trên, ngay khi mùa mưa năm nay bắt đầu, nông dân và cơ quan chuyên môn các địa phương đã chủ động tập trung triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu để hạn chế thiệt hại. Ông Võ Thành Ba (thôn Hương Bình, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1.000 trụ hồ tiêu kinh doanh. Ngay từ đầu mùa mưa, tôi đã chủ động đào các rãnh thoát nước trong vườn để nếu có mưa kéo dài cây hồ tiêu cũng không bị úng nước. Bộ rễ cây hồ tiêu rất nhạy cảm, nếu bị úng nước sẽ bị tổn thương, thối và phát sinh nhiều bệnh khác. Ngoài ra, tôi bón phân, phun thuốc định kỳ để giúp cây phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế bệnh xâm nhập”.
Về phía cơ quan chuyên môn, ông Đỗ Xuân Hiền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai-cho hay: Mùa mưa năm ngoái, trên địa bàn huyện có hơn 600 ha hồ tiêu bị chết. Hiện toàn huyện chỉ còn khoảng 334 ha hồ tiêu. Bệnh xuất hiện trên cây hồ tiêu chủ yếu gồm: bệnh đốm đen lá, bệnh vàng lá thối rễ tơ, bệnh héo chết nhanh, bệnh tuyến trùng rễ, bệnh tảo lá, bệnh thán thư và bệnh rệp sáp gốc, rệp sáp chùm quả. Do đó,  hàng tháng, Trung tâm đều gửi cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, cách xử lý bệnh cho các địa phương để hướng dẫn người dân chủ động triển khai.
Tại huyện Chư Sê, mùa mưa năm trước cũng đã làm hơn 1.200 ha hồ tiêu của người dân bị chết. Bước vào mùa mưa năm nay, để hạn chế thiệt hại, cơ quan chuyên môn của huyện đã triển khai hướng dẫn người dân các giải pháp phòng tránh bệnh cho cây hồ tiêu. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Hiện tại, Chư Sê còn khoảng 2.000 ha hồ tiêu. Để phòng ngừa nguy cơ ngập úng, ngay từ đầu mùa mưa, người dân đã chủ động đào các rãnh thoát nước và đào hố trong vườn hồ tiêu; thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả. “Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên gửi các văn bản cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn người dân triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh dịch bệnh trên cây hồ tiêu trong mùa mưa. Đồng thời, Phòng cử cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý hiệu quả mầm bệnh khi mới phát sinh”-ông Hợp cho biết.  
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ tháng 8 đến tháng 12-2019, khu vực Tây Nguyên sẽ có mưa nhiều. Trong đó, tổng lượng mưa tháng 8 và tháng 9 sẽ cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm 10-30%, độ ẩm không khí cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh gây hại trên cây hồ tiêu.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Hiện tại, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu trong giai đoạn giữa và cuối mùa mưa cho các địa phương. Cụ thể, vào mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao nên người dân cần rong tỉa cây che bóng làm cho vườn hồ tiêu thông thoáng, tăng độ chiếu sáng, tăng khả năng quang hợp của cây, hạn chế sự phát triển của dịch bệnh. Ngoài ra, người dân cần cắt tỉa cành sâu bệnh, cành sát mặt đất làm cho vườn tiêu thông thoáng, hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng và phát sinh sâu bệnh gây hại”.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc hồ tiêu là một giải pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Đ.T
Cũng theo ông Có, để hạn chế nguy cơ úng nước trong mùa mưa, người dân cần tiến hành vun cao gốc hồ tiêu; riêng những vườn có độ dốc thấp, đất bằng phẳng phải thiết kế mương thoát nước. Đồng thời, bón phân cân đối, đầy đủ, có thể kết hợp chất điều hòa sinh trưởng giúp rễ cây phát triển tốt, kháng bệnh. Đặc biệt, phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh kịp thời và áp dụng biện pháp phòng trừ hợp lý, hiệu quả.
“Ngoài ra, đối với vườn hồ tiêu đang phát triển tốt, chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh hoặc bệnh nhẹ thì người dân nên áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp bền vững theo hướng hữu cơ sinh học, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học chứa nấm đối kháng như: Trichoderma, Pseudomonas, Streptomyces, Bacillus, Metarhizium và các hoạt chất sinh học như: Abamectin, Peacilomyces, Matrine, Azadirachtin, Chitosan... Đặc biệt, người dân cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất hồ tiêu bền vững, sản xuất hồ tiêu theo hướng thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, Organic. Còn đối với những vườn bị bệnh nặng không còn khả năng phục hồi, người dân nên chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây màu có hiệu quả hơn”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm