Điểm đến Gia Lai

Gia Lai chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), tỉnh Gia Lai đã xây dựng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT) từ nay đến năm 2025.

Trao đổi về Đề án phát triển KCHT từ nay đến năm 2025, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành nhấn mạnh: “Trong 5 năm đến, nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống KCHT rất lớn, trong khi khả năng cân đối về nguồn lực có hạn. Do vậy, cần phải có sự lựa chọn, ưu tiên và có bước đi hợp lý để đảm bảo từng bước đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng một cách đồng bộ.

Đề án xác định cần có sự lựa chọn đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, khơi thông các điểm nghẽn, nhằm tạo động lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh. Trước mắt, tập trung vào hạ tầng giao thông; đô thị, vùng động lực; thủy lợi và thích ứng biến đổi khí hậu; các khu-cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghệ thông tin”.

 Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho rằng, cần chú trọng thêm việc phát triển hạ tầng viễn thông. Ảnh: H.D
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho rằng, cần chú trọng thêm việc phát triển hạ tầng viễn thông. Ảnh: Hà Duy


Với sự chú trọng đầu tư của tỉnh, thời gian qua, mạng lưới giao thông phân bố tương đối hợp lý, hệ thống đường giao thông địa phương và quốc lộ tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các vùng kinh tế trong khu vực; kết nối trung tâm của tỉnh với các huyện, giữa thành phố với thị xã, thị trấn và tạo kết nối giữa các vùng động lực: Pleiku, An Khê, Chư Sê, Ayun Pa và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Các công trình thủy lợi được đầu tư kiên cố, sử dụng cho nhiều mục đích kinh tế-xã hội trên cơ sở bảo vệ tài nguyên nước và môi trường, phòng-chống thiên tai. Hạ tầng khu-cụm công nghiệp được đầu tư đã phát huy hiệu quả. Hệ thống thông tin, liên lạc đảm bảo thông suốt.

Tuy nhiên, những kết quả đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, bởi hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hoàn thiện, một số tỉnh lộ chưa thông suốt trong mùa mưa, nhiều cây cầu được xây dựng đã xuống cấp, nhiều cầu có khổ, tải trọng hạn chế không đảm bảo năng lực, nhu cầu khai thác. Hệ thống logistic chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngành Hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng Cảng Hàng không Pleiku chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Các hạng mục hạ tầng cụm công nghiệp đầu tư trong nhiều năm, chưa hoàn thiện đồng bộ, một số các cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết nhưng đến nay chưa triển khai.

Theo PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: “Đề án cần đánh giá, phân tích theo phương pháp SWOT, tức là phân tích 4 yếu tố: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức), từ đó sẽ giúp xác định mục tiêu chiến lược, hướng đi một cách đúng đắn, hợp lý nhất. Cần chú trọng thêm việc phát triển hạ tầng viễn thông. Nên đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, TP. Pleiku sẽ phủ sóng 5G và toàn tỉnh phủ sóng 5G vào năm 2030. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến việc phát triển hệ thống vận tải công cộng trong tương lai”.

Để phát triển KCHT đồng bộ, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho rằng: “Cần tập trung thực hiện 3 trụ cột của chuyển đổi số: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cần làm rõ mối quan hệ hữu cơ giữa các loại hạ tầng... Trong Đề án phát triển KCHT đồng bộ cũng phải xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, có thêm nội dung phân công nhiệm vụ về thực hiện xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông”.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng cần tập trung thêm mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ảnh: Hà Duy
Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng cần tập trung thêm mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ảnh: Hà Duy


Đối với phạm vi cấp huyện, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-đề xuất: “Thời gian tới, Đức Cơ cần được đầu tư Trung tâm Y tế huyện thành bệnh viện khu vực biên giới, đồng thời đầu tư, phát triển cụm công nghiệp”.

Về vấn đề này, ông Hồ Phước Thành cho biết: Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và sẽ đưa vào chương trình tài trợ cho khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Riêng đối với việc đề xuất thành lập cụm công nghiệp, Sở yêu cầu huyện Đức Cơ làm rõ sự cần thiết. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 1 khu công nghiệp nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, khả năng đến năm 2025 chỉ mới lấp đầy khoảng 20%.

Đến năm 2025, Gia Lai đặt ra mục tiêu sẽ duy trì 3 khu công nghiệp và phát triển 17 cụm công nghiệp (Đak Đoa có 2 cụm); có 1 cảng cạn; 7 công trình thủy lợi; hoàn thiện hạ tầng giao thông; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng đô thị, vùng động lực...

Hy vọng rằng, khi Đề án phát triển KCHT đồng bộ, nhất là ở các vùng động lực hoàn chỉnh và đưa vào triển khai thực hiện sẽ là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện cho xã hội phát triển, từng bước nâng cao đời sống người dân.
 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm