Xã hội

Gia Lai chung tay chăm lo nạn nhân chất độc da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện giúp các nạn nhân và gia đình vươn lên trong cuộc sống.
Toàn tỉnh hiện có gần 13.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 6.000 nạn nhân bị nhiễm trực tiếp và gần 7.000 người bị nhiễm gián tiếp, trên 456 nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 (F2). Đa phần các gia đình nạn nhân đều khó khăn, thiếu thốn. 
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đến gia đình các nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Kế hoạch số 2168/KH-UBND ngày 12-6-2016 của UBND tỉnh về khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của nạn nhân chất độc da cam ngày càng được cải thiện.
Ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao vốn chăn nuôi, sản xuất cho gia đình nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Hà Phương
Ông Bùi Thanh Hoàng (bìa trái)-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao vốn chăn nuôi, sản xuất cho gia đình nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Hà Phương

Ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh-cho biết: 5 năm qua, các cấp Hội đã huy động hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ, chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Hoạt động trợ giúp, chăm sóc nạn nhân da cam là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội trong tỉnh. Các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bệnh tật, dị dạng, khó khăn nhiều mặt về đời sống... đã được cộng đồng quan tâm hỗ trợ bằng cả vật chất lẫn tinh thần. 

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021) và thực hiện Năm Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (2021), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đến từng tổ chức Hội cơ sở.
Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, nhất là kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các hoạt động có ý nghĩa thiết thực mang sức lan tỏa nhằm tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. 
Tặng bò cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Ia Drăng (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Phương
Tặng bò cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Ia Drăng (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Phương

Đến nay, các cấp Hội đã tổ chức xong hội nghị điển hình tiên tiến nạn nhân chất độc da cam; phát động phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” năm 2021 gắn với sơ kết 10 năm thực hiện phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.

Theo kế hoạch, trong tháng 6, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sẽ tổ chức mít tinh kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam và gặp mặt tôn vinh nạn nhân, những người chăm sóc nạn nhân tiêu biểu và các tổ chức, cá nhân hảo tâm quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và các tổ chức Hội ở địa phương.

Cũng theo ông Hoàng, trong năm 2021, các cấp Hội tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng và các chính sách có liên quan đến nạn nhân da cam.
Cùng với đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm giải quyết các trường hợp người có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm chất độc hóa học đủ điều kiện nhưng chưa được công nhận để sớm hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.  
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm