(GLO)- Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, việc chuyển đổi vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ phía người dân.
Ông Trịnh Long Khánh (xã An Phú, TP. Pleiku) cho hay: Trước đây, 4 sào đất lúa nhận khoán của gia đình ông chỉ sản xuất được vụ mùa, còn vụ Đông Xuân đành để trống do thiếu nước tưới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình đều trồng khoai lang Nhật Bản trên diện tích này chứ không còn để đất trống. Qua 4 tháng trồng, gia đình thu được khoảng 2 tấn khoai lang/sào. Nếu giá ổn định ở mức 10.000 đồng/kg khoai lang, trừ mọi chi phí đầu tư sản xuất, gia đình lãi trên 15 triệu đồng/sào.
Cũng luân phiên trồng khoai lang và lúa nước trên một diện tích đất, ông Hoàng Văn Hiền (xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết: “Nếu khoai lang được giá 10.000-11.000 đồng/kg thì hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với cây lúa. Kết hợp sản xuất một vụ lúa và một vụ khoai lang giúp người dân tăng lợi nhuận trên một diện tích đất”.
Người dân đang xuống giống khoai lang vụ Đông xuân 2018-2019. Ảnh: N.D |
Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế được nhiều nông dân trong tỉnh lựa chọn thực hiện từ vài năm nay. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong năm 2018, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 666 ha/1.747,7 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác, đạt 38,1% kế hoạch. Trong đó, diện tích chuyển đổi qua trồng bắp là 50,4 ha, mì 45 ha, rau đậu các loại 155 ha, khoai lang 87 ha, cây hàng năm khác 273,8 ha, cây ăn quả 24 ha... Tuy nhiên, do giá cả nông sản bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định nên nhiều nông dân vẫn còn băn khoăn trong chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả.
Tại huyện Chư Pưh (Gia Lai), ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trong vụ Đông Xuân 2017-2018, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai xây dựng 4 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho 12 hộ gia đình tham gia tại các cánh đồng Plei Thơ Ga (xã Chư Don), cánh đồng Ia Zo và Ia Ke (xã Ia Phang) với diện tích 4 ha trồng bắp, bí xanh, bí đỏ và đậu đen. Bên cạnh đó, ngành đã cử cán bộ xuống tận cánh đồng hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho các hộ tham gia mô hình. Qua thu hoạch, năng suất các loại cây trồng đạt khá cao. Tuy nhiên, theo ông Khanh, việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn do người dân chưa tích cực tham gia bởi thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định.
Tương tự, tại huyện Mang Yang (Gia Lai), ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hàng năm, nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây khác nhưng diện tích không đáng kể (khoảng 40-50 ha). Nguyên nhân là bởi bà con vẫn muốn trồng lúa để có gạo ăn. Bên cạnh đó, đầu ra các mặt hàng nông sản hiện nay cũng không ổn định. “Trong thời gian tới, khi Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đi vào hoạt động, người dân nên chuyển đổi cây trồng phù hợp để cung cấp cho nhà máy. Việc đầu ra các loại nông sản được giải quyết tốt hơn sẽ kích thích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng”-ông Cơ nói.
Nguyễn Diệp