Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai: Cơ hội hợp tác, phát triển thị trường hàng hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Gia Lai năm 2017 được tổ chức vào ngày 8-9 tại TP. Pleiku đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Tại đây, 16 biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế đã được ký kết, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết phát triển thị trường giữa của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Từ quảng bá sản phẩm

Với không gian thiết kế ấn tượng, mang đậm phong cách châu Âu, gian hàng cà phê L’amant của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) được khá đông khách quan tâm. Vừa thưởng thức ly cà phê L’amant, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh-Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours (Đà Nẵng), vừa tấm tắc khen: “Cà phê Gia Lai ngon tuyệt!”. Theo bà Lương Thị Ngọc Nữ-Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế L’amant-Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, để có được sản phẩm này là sự nỗ lực xuyên suốt 26 năm xây dựng và phát triển của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê đến các thị trường khó tính như Mỹ, EU với sản lượng lên đến 70.000 tấn/năm, với mong muốn sản xuất cà phê rang xay đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, năm 2017, Vĩnh Hiệp đã sản xuất thành công các dòng sản phẩm cà phê L’amant với phương châm “Sạch từ nông trại đến ly cà phê”. Hiện tại, thương hiệu cà phê L’amant đang phát triển rất mạnh ở thị trường TP. Hồ Chí Minh.

 

Ký kết hợp tác trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp. Ảnh: Huy Hoàng
Ký kết hợp tác trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp. Ảnh: Huy Hoàng

Cùng với cà phê, các sản phẩm làm từ quế cũng thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan. Vừa giới thiệu về tác dụng của các sản phẩm, ông Huỳnh Văn Mười-Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Quế An Lạc (Đà Nẵng), vừa khoe: “Chỉ mới trưng bày mà rất nhiều khách tìm hiểu mua hàng, nhất là các sản phẩm như hộp nến thân quế, tinh dầu quế và lót giày hương quế. Đặc biệt, một chủ tiệm spa tại Gia Lai đã đặt mua một lượng lớn tinh dầu để sử dụng”.

Ngoài các sản phẩm đặc trưng vùng miền, hội nghị lần này còn giới thiệu thêm nhiều dịch vụ như: tư vấn giáo dục, du lịch, bất động sản… “Với thế mạnh về kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa và hệ thống khách sạn, resort từ 1 sao đến 5 sao tại Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Vitours mong muốn được tiếp cận thị trường du lịch các tỉnh miền Trung và Nam bộ, mang đến sự hài lòng nhất cho du khách khi sử dụng dịch vụ của công ty”- bà Phạm Thị Mỹ Hạnh-Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours, giới thiệu.

Cùng với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh, khu trưng bày sản phẩm tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Gia Lai năm nay khá đa dạng, phong phú với những sản phẩm đặc trưng vùng miền. Đó là các mặt hàng nông sản đặc trưng của Gia Lai như: cà phê, hồ tiêu, bò một nắng, mật ong, măng khô; nước mắm, bún Song thằn Bình Định; trái cây, chả cá Hậu Giang; hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm sản xuất từ quế của Đà Nẵng… Doanh nghiệp  nào cũng cố gắng giới thiệu, quảng bá những “tinh hoa” của địa phương mình.

Đến hợp tác phát triển thị trường

Là doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh để tư vấn về thị trường Nhật Bản, Công ty cổ phần Shiny Việt Nam đã gây ấn tượng khá mạnh tại hội nghị. Theo bà Lê Thị Thanh Hằng-Giám đốc Công ty, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp nước này xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong số các nước châu Á vì có mức chi phí thấp về nước, điện, nhân công, cấp quản lý bậc trung… Do đó, nhà đầu tư Nhật Bản đã có nhiều nhà máy chế tạo, hệ thống siêu thị bán lẻ… có mặt ở Việt Nam. Kỳ vọng đến năm 2020, thị trường này sẽ tăng lên nữa, không chỉ các ngành công nghiệp chế tạo, môi trường, hạ tầng, cấp thoát nước mà đặc biệt nổi lên hiện nay là lĩnh vực nông nghiệp thông minh.

 

Ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai: “Hội nghị đã góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết phát triển mở rộng thị trường của các doanh nghiệp Gia Lai cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho những sản phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế”.

Mong muốn hợp tác phát triển sản phẩm vào thị trường Nhật Bản, bà Lê Thị Trường Chinh-Giám đốc Công ty An Cát Lợi (Gia Lai), đề nghị: “Hiện doanh nghiệp có các sản phẩm như măng le khô, mật ong… được một số khách hàng Nhật Bản ưa chuộng và đặt hàng. Vì vậy, An Cát Lợi mong được Công ty cổ phần Shiny Việt Nam hỗ trợ để tiếp cập những ứng dụng khoa học nông nghiệp thông minh của Nhật Bản, từ đó hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm xuất khẩu sang Nhật”.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm