(GLO)- Đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết đã sẵn sàng nguồn vốn để giải ngân chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV), đảm bảo tất cả các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu sẽ được vay vốn đi học.
Đây là năm thứ 11 Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua 10 năm thực hiện, chính sách tín dụng đậm tính nhân văn, thiết thực này đã đạt được những kết quả to lớn, tạo được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội cũng như tạo được sự bình đẳng trong giáo dục khi dòng vốn ưu đãi đã hướng đến đối tượng thụ hưởng là HSSV thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề.
Một phiên giao dịch tín dụng chính sách tại xã Tân An, huyện Đak Pơ. Ảnh: S.C |
Tại Gia Lai, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể triển khai cho vay chặt chẽ, tạo mọi thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn khi có nhu cầu. Trong giai đoạn 2007-2017, chương trình đã giải ngân được 922,8 tỷ đồng cho 57.337 lượt HSSV vay vốn; doanh số thu nợ đạt 588,2 tỷ đồng. Ông Đinh Vong-Chủ tịch UBND xã Sơn Lang (huyện Kbang) cho biết: “Qua 10 năm triển khai tín dụng chính sách, tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt 30 tỷ đồng/732 hộ vay, bình quân mỗi hộ được vay 41 triệu đồng. Trong đó, dư nợ của hộ dân tộc thiểu số chiếm tới 75,66%. Nguồn vốn này đã giúp cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, giúp cho 56 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hàng năm 5-6%”.
Ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai: “Trong năm 2017, Chi nhánh đã giải ngân cho vay chương trình tín dụng HSSV là 35 tỷ đồng/4.321 lượt HSSV. Năm học 2018-2019, chúng tôi đã sẵn sàng nguồn vốn để giải ngân, miễn là đúng đối tượng, có nhu cầu sẽ được vay vốn để đi học”. |
Về phía gia đình HSSV, bà Kpah HVan (khu phố 12, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) hết sức cảm kích khi nhắc đến chính sách cho vay đi học. “Gia đình tôi đã vay 38,5 triệu đồng từ chương trình. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ mà gia đình có tiền cho con đi học. Hiện nay, con tôi đã ra trường và có việc làm”. Tương tự, bà Lê Thị Nguyệt (thôn 8, xã Đông, huyện Kbang) chia sẻ: “Để nuôi 4 con ăn học, tôi đã vay Ngân hàng Chính sách Xã hội số tiền 106 triệu đồng. Hiện tại, cả 4 con đã ra trường, có việc làm ổn định và đang tích cực hỗ trợ gia đình thực hiện trả nợ, gốc lãi, đầy đủ cho các khoản vay đi học trước kia”.
Tính đến cuối tháng 8-2018, tổng dư nợ của chương trình tín dụng HSSV đạt 240 tỷ đồng/9.500 khách hàng còn dư nợ; doanh số thu nợ đạt 75 tỷ đồng. “Trong những năm gần đây, doanh số thu nợ của chương trình rất khả quan, bình quân mỗi năm thu hơn 100 tỷ đồng. Đơn cử như năm 2017, doanh số thu nợ đạt 122 tỷ đồng. Điều này cho thấy, từ phía gia đình đến bản thân HSSV rất có tinh thần hợp tác trả nợ vay. Về phía ngân hàng, nhằm giảm bớt áp lực trả nợ sau 3-5 năm, chúng tôi đã tính toán phân kỳ đóng lãi phù hợp cho gia đình HSSV. Sau khi HSSV ra trường còn được hưởng 1 năm ân hạn để tìm việc làm. Trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn thì được hưởng chính sách giảm lãi suất cho vay”-ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, để chuẩn bị giải ngân chương trình tín dụng HSSV năm học 2018-2019 trong tháng 9 này, từ trước đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã thông báo đến UBND các xã, phường, tổ vay vốn. Đối với khách hàng cũ chỉ cần có giấy xác nhận của nhà trường; còn đối với khách hàng mới cần có giấy báo nhập học để ngân hàng có cơ sở giải ngân. Theo quy định hiện nay, mức lãi suất chương trình tín dụng HSSV là 0,55%/tháng, 6,6%/năm, định mức cho vay 15 triệu đồng/HSSV/năm, thời gian trả nợ vay bằng thời gian nhận tiền vay.
Sơn Ca