Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 22-10, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã bàn hành Kế hoạch số 41/KH-SCT về thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam, đảm bảo nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng về chất lượng của hàng Việt Nam cũng như khả năng của doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường công tác vận động các doanh nghiệp tham gia các điểm bán hàng Việt và những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP; đảm bảo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh về phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu; nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, các phần mềm nghiệp vụ trong thời đại 4.0. 
Các nhà sản xuất, phân phối hàng trong nước luôn có những chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021–2025 có trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 85% tại các kênh phân phối tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi-ni và trên 80% tại các chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa. Giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong tỉnh chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tỉnh. Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Tổ chức 3 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Việt Nam cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại tỉnh. Tổ chức 5 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. 
Sở Công thương đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm chương trình như: hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và hàng Việt. 
Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm