Du lịch

Hành trang lữ hành

Gia Lai đẩy mạnh kết nối, hợp tác phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Như tin đã đưa, tại Hội trường  2-9 (TP. Pleiku), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43-Ctr/TU ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Ngành du lịch chuyển biến rõ nét

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 43 với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tốc độ phát triển ngành du lịch của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét; doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh và ổn định qua từng năm. Cụ thể, giai đoạn 2017-2019, du lịch có sự tăng trưởng nhanh (vượt mục tiêu đề ra 15-18%/năm), tổng lượt khách tăng bình quân 27,8%/năm, tổng thu du lịch tăng 22,6%/năm. Riêng năm 2019, Gia Lai đón  845.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 510 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm (2020-2021), hoạt động du lịch sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

 Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Dung
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Dung


Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được các cấp, các ngành quan tâm, trong đó ưu tiên huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư đường giao thông đến các điểm, khu du lịch đã được quy hoạch. Tổng vốn đầu tư hạ tầng du lịch giai đoạn 2017-2022 là hơn 245 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu có khả năng khai thác nhanh cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết: Giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã thu hút, kêu gọi được 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 9.407 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 21-5-2022, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư và đã ký kết 3 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn 26.700 tỷ đồng gồm: Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại huyện Ia Grai; Dự án khu du lịch sinh thái suối đá cổ Ia Ly tại huyện Chư Păh; Dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Ayun Hạ tại huyện Phú Thiện.

Các hoạt động quảng bá du lịch đến với du khách được triển khai thường xuyên và hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội... Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Thị Thu Hương cho hay: Công tác tuyên truyền đã được triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và tác động tích cực đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Các ấn phẩm của Báo Gia Lai đã đăng tải trên 3.500 tin, bài tuyên truyền công tác phát triển du lịch và các văn bản có liên quan; Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã thực hiện khoảng 1.500 tin, bài có liên quan đến công tác phát triển du lịch. Riêng Trang thông tin điện tử du lịch Gia Lai đã kết nối với 43 tỉnh, thành phố trong cả nước để quảng bá những hình ảnh đẹp, danh lam thắng cảnh và các điểm đến hấp dẫn... đến với đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhiều địa phương đã lựa chọn phát triển các loại hình du lịch phù hợp như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, lịch sử. Được xem là “miền đất di sản” với mật độ phân bổ di tích dày đặc, những năm qua, thị xã An Khê đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ. Bí thư Thị ủy Nguyễn Xuân Phước thông tin: Thị xã đã tập trung nâng cấp, chỉnh trang đô thị; đầu tư, cải tạo các thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình công cộng phục vụ người dân và du khách. Từ năm 2017 đến nay, thị xã đã phối hợp với các ngành của tỉnh tổ chức thành công hội thảo khoa học về Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn, hội thảo khoa học quốc tế lần thứ II về khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ với tên gọi “Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á”; ký kết biên bản ghi nhớ, chương trình hợp tác về xây dựng và phát triển du lịch với huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) nhằm đẩy mạnh tuyến du lịch kết nối từ Tây Sơn Thượng đạo xuống Tây Sơn Hạ đạo.

Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã đề xuất, đóng góp nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt 2,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,8%/năm; tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 18,6%/năm. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung kiến nghị tỉnh xem xét đề xuất Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép Gia Lai duy trì sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2 năm/lần; xem xét, điều chỉnh vấn đề thuế đất, giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tiếp cận dự án; có cơ chế, chính sách, mức chi hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức đón các đoàn famtrip đến nghiên cứu xây dựng tour, tuyến du lịch. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh xem xét cho thành lập Trung tâm Xúc tiến du lịch trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để làm nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch của tỉnh.

 

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Dung
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Dung


Còn Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng thì cho rằng: Việc đầu tư xây dựng các mô hình kinh doanh homestay, farmstay... tại các khu vực có cảnh quan đẹp trong lòng đô thị là nhu cầu, mong muốn của các hộ kinh doanh dịch vụ. Do đó, đề nghị các sở, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thống nhất thực hiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Mặt khác, các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận như: Dự án khu công viên sinh thái đồi thông, các dự án tổ hợp thương mại 15-17 Trường Chinh... cần được đẩy nhanh tiến độ triển khai để góp phần phát triển du lịch của thành phố.

Góp ý tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Tấn Thành đề nghị tỉnh tập trung tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đang triển khai hoặc đang kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, kết nối kích cầu giữa các địa phương trong khu vực, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các bên hợp tác hiệu quả; có chính sách đào tạo, hỗ trợ xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đủ về số lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: Gia Lai có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, hoạt động của ngành du lịch của tỉnh thời gian qua vẫn còn hạn chế. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vai trò, vị trí của du lịch trong định hướng phát triển của tỉnh và của từng địa phương; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan trong quảng bá, xúc tiến, quản lý nhà nước về du lịch cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp và Nhân dân; bố trí nguồn lực hợp lý cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển du lịch.

Phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng, dân ca truyền thống
Phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng, dân ca truyền thống. Ảnh: Phương Duyên



Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tăng cường kết nối, thực hiện các chương trình hợp tác trong du lịch giữa các địa phương; tiếp tục nghiên cứu chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào các dự án trên các lĩnh vực có lợi thế; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cho các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động du lịch và xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Các địa phương cần tăng cường tính chủ động trong phát triển du lịch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch để tăng khả năng tiếp cận và kết nối các điểm du lịch; phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng, dân ca truyền thống... “Lấy tiềm năng, lợi thế để làm du lịch và từ du lịch tạo ra giá trị về vật chất, tinh thần, niềm tin, sự yêu mến của du khách. Nếu chúng ta làm tốt thì chắc chắn ngành du lịch địa phương sẽ ngày càng phát triển”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
 

 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm