Xã hội

Gia Lai đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công chứng, chứng thực đảm bảo an toàn pháp lý cho tổ chức, cá nhân khi tham gia hợp đồng, giao dịch.

Vừa hoàn tất thủ tục pháp lý về đất đai tại Văn phòng Công chứng Đặng An Bình (số 02 Lý Tự Trọng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku), chị Trần Khánh Linh (tổ 5, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi thường đến đây để thực hiện công chứng các thủ tục liên quan đến đất đai. Trong quá trình làm việc, tôi thấy đội ngũ nhân viên Văn phòng phục vụ tận tình, chu đáo, các yêu cầu về công chứng hợp đồng, giao dịch được tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn, đúng thời hạn”.

Ông Đặng An Bình-Trưởng Văn phòng Công chứng Đặng An Bình-thông tin: Những năm gần đây, nhu cầu về công chứng, chứng thực của các tổ chức, cá nhân ngày càng nhiều, chủ yếu là hợp đồng giao dịch mua bán, thế chấp ngân hàng, chuyển nhượng đất đai, tặng/cho, phân chia tài sản thừa kế, giấy ủy quyền… Bình quân 1 tháng, Văn phòng tiếp khoảng 1.500 hồ sơ liên quan.

 Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Công chứng Đặng An Bình (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: RÔ HOK
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Công chứng Đặng An Bình (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: R'Ô HOK


“Để nâng cao chất lượng hoạt động, ngoài quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, Văn phòng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành. Đặc biệt, từ ngày 1-4-2022, theo yêu cầu của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), chúng tôi cập nhật báo cáo số liệu hàng ngày trên mạng chung của cả nước. Nhờ đó, Văn phòng thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến giao dịch”-ông Bình cho hay.

Hiện nay, Hội Công chứng viên tỉnh có 33 hội viên, trong đó, 31 hội viên đang hành nghề tại 14 tổ chức hành nghề công chứng (gồm 3 phòng công chứng và 11 văn phòng công chứng) ở 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong năm 2021, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công chứng 57.959 việc, thu phí và thù lao công chứng với số tiền hơn 21,5 tỷ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 2,9 tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, Hội Công chứng viên tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về công chứng, chứng thực cho hội viên. Đồng thời, chủ động thu thập tài liệu liên quan gửi đến các tổ chức hành nghề công chứng và hội viên; kết hợp giải đáp các vướng mắc phát sinh trong hoạt động công chứng. Bên cạnh đó, Hội Công chứng viên tỉnh còn hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng quan tâm đầu tư trang-thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, nhất là lưu trữ hồ sơ vụ việc, niêm yết công khai mức thu lệ phí công chứng, nội quy giao dịch, thời gian làm việc, đảm bảo phục vụ người dân. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực công chứng được các cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện thường xuyên, kịp thời khắc phục và chấn chỉnh những hạn chế, sai sót, bảo đảm hoạt động công chứng đúng quy định của pháp luật, tạo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, rủi ro khi cơ sở dữ liệu công chứng kết nối với các văn phòng công chứng ở các tỉnh, thành trong cả nước chưa được thực hiện. Từ đó, gây khó khăn trong việc tra cứu các thông tin về nguồn gốc, tình trạng giao dịch, biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người dân về công chứng, chứng thực chưa cao. Khi được nhân viên hướng dẫn, giải thích về quyền và nghĩa vụ, hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch cũng như đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện công việc, nhiều người dân tỏ ra khó chịu và không hợp tác.

Ông Phạm Huy Vũ-Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh-cho biết: Thời gian qua, hoạt động công chứng được xã hội hóa mạnh mẽ và có nhiều đổi mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân. Điều này đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, giảm tải áp lực cho phòng công chứng nhà nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các văn phòng hoạt động trong lĩnh vực.

Tuy vậy, theo báo cáo của Sở Tư pháp, trong 9 tháng năm 2022, một số văn phòng công chứng còn hạn chế cần khắc phục, chấn chỉnh như: sổ công chứng hợp đồng, giao dịch không có đầy đủ nội dung theo mẫu quy định; người làm chứng do công chứng viên chỉ định là nhân viên đang làm việc tại văn phòng, không đảm bảo tính khách quan trong việc làm chứng...

Để hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh cho biết thêm: Hội Công chứng viên tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong công tác quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh; tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và giám sát tổ chức hành nghề công chứng trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Điều lệ Hiệp hội; thực hiện chế độ giao ban, tổ chức hội nghị trao đổi nghiệp vụ với cơ quan, tổ chức có liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng tại địa phương. 

 R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm