Điểm đến Gia Lai

Gia Lai: Doanh nghiệp nghiêm túc nộp phí dịch vụ môi trường rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc huy động các nguồn lực xã hội trong thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, các cơ sở sản xuất đã chấp hành nghiêm túc việc ký hợp đồng ủy thác, kê khai và nộp tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai còn tích cực đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng nộp phí DVMTR chấp hành quy định về việc ký hợp đồng ủy thác, kê khai và nộp phí DVMTR. Theo đó, những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sản xuất điện, sản xuất nước sạch... sử dụng DVMTR đã thực hiện kê khai, nộp đầy đủ, đúng thời gian quy định theo cam kết trong hợp đồng ủy thác đã ký kết với đơn vị. 
Ông Đặng Quang Hào-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng điện Phan Vũ-cho biết: Doanh nghiệp đang vận hành và khai thác 2 nhà máy thủy điện nhỏ với doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm. Từ năm 2014 đến nay, dựa trên mức chi trả tiền DVMTR áp dụng đối với cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kWh điện thương phẩm, Công ty đã nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hơn 7 tỷ đồng. 
Theo ông Hào, Công ty sử dụng nguồn nước để sản xuất điện nên việc đóng phí DVMTR để chi trả cho người trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, nơi tạo ra nguồn nước là hợp lý. Số tiền này sẽ tính vào giá thành trong sản xuất điện.
“Rừng có tác dụng điều hòa và duy trì nguồn nước. Thủy điện muốn hoạt động được thì phải có nước. Do vậy, từ khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đến nay, chúng tôi luôn chấp hành tốt việc kê khai, nộp tiền DVMTR theo đúng quy định. Không chỉ nộp đầy đủ tiền DVMTR theo hợp đồng ủy thác đã ký kết, chúng tôi còn phối hợp thực hiện dự án trồng rừng thay thế tại các vị trí đất trống, đồi núi trọc xung quanh các công trình thủy điện”-ông Hào cho hay. 
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn
Bình quân mỗi năm, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai cung ứng khoảng 6 triệu m3 nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào sản lượng nước thương phẩm đã tiêu thụ, Công ty thực hiện việc kê khai, nộp tiền DVMTR áp dụng đối với cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch là 52 đồng/m3. Từ năm 2013 đến nay, Công ty đã ký hợp đồng thu ủy thác tiền DVMTR và nộp hơn 1,3 tỷ đồng.
Ông Phạm Xuân Hào-Giám đốc Công ty-khẳng định: “Số tiền phí Công ty đã nộp sẽ góp phần cùng các nguồn lực khác giúp người dân quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Thời gian tới, Công ty sẽ chủ động đầu tư xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước tập trung nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch trong dân. Dự kiến, sản lượng nước thương phẩm cũng như tiền DVMTR phải nộp sẽ tăng từ 10 đến 15%”.
Theo ông Lương Đình Trọng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh: Từ khi triển khai thực hiện việc chi trả DVMTR đến nay, đơn vị luôn làm tốt vai trò đầu mối, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện, bảo đảm phù hợp với quy định và tình hình thực tế ở địa phương. Nguồn thu từ DVMTR hàng năm đã góp phần bảo vệ 481.438 ha rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 90 đơn vị sử dụng DVMTR, trong đó có 51 nhà máy thủy điện (38 nội tỉnh và 13 liên tỉnh); 21 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; 18 cơ sở sản xuất công nghiệp. Tổng thu DVMTR từ năm 2011 đến nay hơn 793,8 tỷ đồng. 
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết thêm: Đơn vị thường xuyên đôn đốc các cơ sở kê khai, nộp tiền chi trả DVMTR theo quy định. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình chậm nộp, nợ tiền DVMTR để có biện pháp xử lý hoặc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Từ năm 2011 đến nay, 100% cơ sở sử dụng DVMTR nội tỉnh đã chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ nộp tiền DVMTR, không có tình trạng nợ đọng.
“Số thu từ tiền DVMTR của các cơ sở sản xuất nộp sẽ là nguồn lực tài chính quan trọng góp phần cùng các nguồn lực khác chi trả cho các chủ rừng, cộng đồng dân cư, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”-ông Trọng nhận định.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm