(GLO)- Sau Tết, tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp ở Gia Lai đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, xác định cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài nên các doanh nghiệp đã dự lường những rủi ro, chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Không chủ quan, lơ là
Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa) hiện thu mua, chế biến cà phê xuất khẩu đến 30 quốc gia với sản lượng bình quân khoảng 60.000 tấn nhân/năm. Riêng tại Gia Lai, Chi nhánh có khoảng 50 lao động và đến mùa vụ thì tăng lên khoảng 70 lao động. Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Công ty cũng đưa ra những phương án khác nhau để kịp thời ứng phó.
Ông Phan Công Tuân-Trưởng phòng Chất lượng Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai-chia sẻ: “Chúng tôi vẫn duy trì việc sản xuất, chế biến cà phê như bình thường, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch như: đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh phòng làm việc, dụng cụ làm việc hàng ngày… Đối với công nhân xin nghỉ phép hoặc đi xa, chúng tôi yêu cầu khai báo y tế. Đồng thời, phải dự lường để tránh rủi ro, đảm bảo số lượng công nhân nhằm hoàn thành sớm các đơn hàng, nhất là các đơn hàng của tháng 3, tháng 4”.
Kiểm tra chất lượng cà phê tại Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy |
Thực hiện đồng bộ nhiệm vụ vừa sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo công tác phòng-chống dịch cũng chính là phương án mà Công ty TNHH Thương mại Chế biến nông-lâm-sản Đường Vạn Phát (huyện Krông Pa) đang triển khai thực hiện.
Bà Bùi Thị Quy-người sáng lập Công ty-cho biết: “Sau Tết Tân Sửu, Công ty tập trung cho sản xuất trong tình hình mới. Trước đây, công nhân thường tập trung ăn cơm trưa chung, nhưng nay họ đều phải ngồi cách xa nhau, cơm được chia ra thành khay để chuyển đến cho từng người. Đối với công tác giao dịch, chúng tôi cũng thực hiện rất nghiêm các quy định phòng-chống dịch, không tiếp xúc trực tiếp mà có dụng cụ ngăn giữ khoảng cách an toàn”.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Song với kinh nghiệm ứng phó dịch từ năm trước, các doanh nghiệp hầu như đã xây dựng các phương án ứng phó khác nhau để giảm thiểu rủi ro: một phương án cho điều kiện bình thường và một phương án khi xảy ra dịch bệnh. Tinh thần phòng-chống dịch vẫn luôn được kích hoạt cao độ, không chủ quan, lơ là”.
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã triển khai thực hiện một cách hiệu quả “mục tiêu kép”. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp 2 tháng đầu năm là 3.450 tỷ đồng, đạt 13,9% và tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 101 triệu USD, tăng trên 35%. Thu ngân sách ước thực hiện trên 1.000 tỷ đồng, đạt gần 21% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sở KH-ĐT tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: Hà Duy |
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: “Chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai vận hành “cỗ xe tam mã”: xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công. Đồng thời, chúng tôi cũng tham mưu, đề nghị các sở, ngành xây dựng các kịch bản kích cầu về du lịch, thương mại, xúc tiến đầu tư để khi dịch bệnh được kiểm soát thì triển khai thực hiện ngay. Sở sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động”.
HÀ DUY