(GLO)- Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP-AN) đã góp phần nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Gia Lai.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN, thời gian qua, UBND tỉnh đã quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 62-CT/TW ngày 12-2-2001 của Bộ Chính trị về việc tăng cường giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 1-5-2001 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng; củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh và cấp huyện. Trong quá trình hoạt động, các thành viên Hội đồng Giáo dục QP-AN đã phối hợp chặt chẽ, triển khai và lượng hóa cụ thể việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng; đổi mới về hình thức, cách tổ chức và phương pháp thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Chủ tịch Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh: Thời gian qua, các địa phương và cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm công tác giáo dục QP-AN; đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quá trình thực hiện nên đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, việc giáo dục và bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian và phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bám sát nội dung, đổi mới hình thức, biện pháp tiến hành, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Một giờ học quân sự của sinh viên trên địa bàn tỉnh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Quang |
Trong 2 năm qua, Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức QP-AN phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, nội dung, chương trình bồi dưỡng đã có sự đổi mới, kết cấu phù hợp, sát với đặc điểm tình hình địa bàn, chú trọng vào các chuyên đề về dân tộc, tôn giáo và đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, về công tác dân vận, công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở... Đặc biệt, trong quá trình học, thảo luận đã phát huy dân chủ, liên hệ chặt chẽ với thực tiễn, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải ở địa phương. Phương pháp giáo dục bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ nhận thức của đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, các tầng lớp nhân dân đã hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, số cán bộ thuộc đối tượng 1, đối tượng 2 tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN đạt 100% kế hoạch; đã tổ chức 4 khóa bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3. Riêng Hội đồng Giáo dục QP-AN cấp huyện đã tổ chức được 28 lớp bồi dưỡng cho 2.143 đối tượng 4, đạt 93,58%; 1 lớp bồi dưỡng cho già làng, trưởng họ tộc theo đúng kế hoạch.
Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Mặc dù thời gian gần đây có những khó khăn nhất định do đại dịch Covid-19 nhưng chúng tôi đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục QP-AN cũng như việc củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp. Nhờ đó, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN hàng năm đều bảo đảm theo kế hoạch. Quá trình giáo dục, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức QP-AN đi sâu vào các nội dung “từ cơ sở mà ra”, qua đó giúp công tác điều hành, xử lý các tình huống về QP-AN sát với thực tế, đúng chủ trương, góp phần xây dựng tiềm lực quân sự trong khu vực phòng thủ, thế trận lòng dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
LÊ QUANG