Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Đối thoại tháo gỡ vướng mắc cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 14-12, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Nông dân tổ chức Hội nghị đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với các chủ trang trại và hội viên nông dân. Nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp đã được lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành giải đáp cặn kẽ.

Chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Minh Trưởng và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Ngọc Hải. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và hội viên nông dân.

Quang cảnh hội nghị đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với các chủ trang trại và hội viên nông dân tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Phan Lài


Giải đáp thắc mắc của nông dân

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nhấn mạnh: Trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được chú trọng, trong đó có nội dung đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi nếp nghĩ, thói quen sản xuất của người dân. Hội nghị này có ý nghĩa rất lớn, giúp lãnh đạo tỉnh, huyện được trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của nông dân; qua đó, kịp thời khắc phục những thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề mà nông dân quan tâm.

Liên quan đến vấn đề phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đại diện nông dân huyện Ia Pa đặt câu hỏi: Giá phân bón và vật tư nông nghiệp quá cao, trong khi giá trị nông sản thấp khiến nông dân gặp khó khăn trong sản xuất. Nên chăng, cần có sự can thiệp về giá? Thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khá phong phú chủng loại nhưng vẫn còn phân bón, thuốc kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến cây trồng nên cần có giải pháp chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng này.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Duy Lộc trả lời câu hỏi của nông dân. Ảnh: Phan Lài


Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Duy Lộc, Sở đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh triển khai các giải pháp bình ổn thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Cục Quản lý Thị trường tỉnh và các cơ quan theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ nhằm đẩy giá phân bón lên cao. Việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng phải được xử lý nghiêm. Sở cũng đã báo cáo, đề xuất Bộ Công thương tham mưu giúp Chính phủ thực hiện giải pháp bảo đảm bình ổn giá phân bón và cân đối cung-cầu thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNN thì cho rằng: Sở đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón trong tỉnh thực hiện theo cơ chế thị trường, không ghim hàng, nâng giá. Cùng với đó, cung cấp thông tin chính xác, địa chỉ tin cậy cho người dân về sản phẩm phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật.

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNN Đoàn Ngọc Có trao đổi về một số vấn đề mà nông dân đặt ra tại hội nghị. Ảnh: Phan Lài


Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hiền-Chủ tịch Hội Nông dân phường Đống Đa (TP. Pleiku) kiến nghị: Hội Nông dân các cấp cần tạo mối liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thu mua nông sản, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân. Trả lời câu hỏi liên quan trách nhiệm của tổ chức, ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho rằng: “Những năm gần đây, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp các ngành, doanh nghiệp, ngân hàng thực hiện dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Để đảm bảo đầu ra thì nông sản phải đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu của đơn vị tiêu thụ. Hội Nông dân tỉnh khuyến khích bà con nông dân tham gia các tổ liên kết nhằm nâng cao trách nhiệm trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hội Nông dân các cấp cũng tích cực mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất nông sản an toàn, liên kết để phát triển sản xuất cho hội viên nông dân”.

Để nông nghiệp phát triển bền vững

Trao đổi tại hội nghị, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) vẫn đạt 9,03% so với năm 2020. Trong đó, nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 5,43%. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản năm 2021 ước 31.987 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch, tăng gần 5,97% so với năm 2020. Năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đạt kế hoạch và tăng so với năm trước. Bên cạnh những kết quả đạt được, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm; tiến độ thực hiện, giải quyết vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; hoạt động sản xuất nông nghiệp trong năm gặp không ít khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đại diện các hợp tác xã, chủ trang trại và bà con nông dân trong tỉnh đã có 43 lượt ý kiến trao đổi trực tiếp và thông qua văn bản tại hội nghị. Nội dung trao đổi liên quan đến các vấn đề: đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ tiêu thụ nông sản; vay vốn để phát triển sản xuất; quy hoạch vùng chuyên canh cây công nghiệp; xây dựng nông thôn mới…

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa thông tin tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh tại hội nghị đối thoại. Ảnh: Phan Lài


Hầu hết ý kiến, kiến nghị tại hội nghị đều được đại diện các sở, ngành giải đáp, làm rõ. Bên cạnh đó, cung cấp thêm một số thông tin cần thiết về nhu cầu thị trường, các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh để người dân nắm rõ, áp dụng trong sản xuất kinh doanh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên bày tỏ sự chia sẻ trước những khó khăn của bà con nông dân trong điều kiện sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, biến động thị trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao ý kiến, đề xuất của các chủ trang trại, hợp tác xã và bà con nông dân về những vấn đề liên quan đến sản xuất và phát triển nông nghiệp.

Từ các ý kiến, kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên yêu cầu các ngành và địa phương cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân. Sau hội nghị này, các chủ trang trại, hợp tác xã và nông dân tiếp tục gửi câu hỏi để các sở, ngành, địa phương giải đáp, trả lời bằng văn bản để người dân nắm rõ vấn đề. Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh giải quyết những vấn đề còn vướng mắc và liên quan.

 

PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm