Bạn đọc

Gia Lai: Giải pháp nào để hoàn thành kế hoạch trồng 7.000 ha rừng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI vào tháng 12-2016, các đại biểu tham dự đã thống nhất quyết nghị trong năm 2017 sẽ triển khai đến các cấp chính quyền cơ sở, các tổ chức và cá nhân trồng 7.000 ha rừng. Song đến thời điểm này, việc triển khai kế hoạch gặp một số khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp, địa phương vào cuộc

Trên cơ sở đánh giá khả năng thực tế ở từng địa phương và để đảm bảo bù đắp diện tích rừng bị mất, chống biến đổi khí hậu cũng như góp phần giữ lượng nước ngầm phục vụ tưới, tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XI, các đại biểu thống nhất quyết nghị trong năm 2017 Gia Lai sẽ trồng mới 7.000 ha rừng và đến năm 2020 trồng mới 20.000 ha rừng để nâng độ che phủ lên trên 46%. Từ quyết nghị này, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành đánh giá, rà soát và triển khai công tác trồng rừng.

 

Chuẩn bị cây giống để trồng rừng. Ảnh: Đức Thụy
Chuẩn bị cây giống để trồng rừng. Ảnh: Đức Thụy

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Minh Phước có 2 dự án xin thuê đất trồng rừng được UBND tỉnh đồng ý với diện tích 986,3 ha tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (392,7 ha) và tại xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa (593,6 ha). 5 đơn vị được UBND tỉnh thống nhất cho phép khảo sát đất đủ điều kiện để đưa vào lập dự án trồng rừng với diện tích 1.964,23 ha, bao gồm: Công ty TNHH Nông Lâm sản Phúc Phong Gia Lai có 2 dự án với diện tích 1.149,8 ha tại huyện Krông Pa và Ia Pa; Công ty TNHH Thương mại Vận tải Thành Đạt có 1 dự án với diện tích 489,43 ha tại xã Ia Chía, huyện Ia Grai; Công ty cổ phần An Phát Lợi với diện tích khoảng 125 ha tại xã Hải Yang, huyện Đak Đoa; Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Đầu tư Xây dựng Sông Lam 100 ha tại xã Kon Gang, huyện Đak Đoa và Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên 3.345 ha, trong đó triển khai thực hiện trong năm 2017 là 100 ha tại xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.

Bên cạnh đó, có 2 dự án với diện tích 360 ha đang xin chủ trương của UBND tỉnh gồm: Hợp tác xã Kinh doanh Tổng hợp xã Ia Trok với diện tích 335 ha tại các xã Kim Tân, Ia Ma Rơn, Ia Tul (huyện Ia Pa); Công ty Nông nghiệp Mắc Ca Xanh với diện tích 25 ha tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Ngoài ra còn có 7 doanh nghiệp khác đang tiến hành điều tra, khảo sát, lập dự án xin chủ trương cũng như thống nhất với người dân đang canh tác nông nghiệp để đền bù sau đó sẽ triển khai thực hiện trồng rừng.

Đối với việc trồng rừng theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, các địa phương, đơn vị đã tiến hành xong việc lập dự án hỗ trợ đầu tư để trình các cấp thẩm định, phê duyệt. Riêng việc trồng rừng liên doanh, liên kết, các công ty lâm nghiệp đã chủ động về nguồn vốn với diện tích 1.047 ha, bao gồm: Công ty Lâm nghiệp Kông Chro 556 ha, trồng tại huyện Kông Chro; Công ty MDF Gia Lai 375,9 ha, trồng tại các huyện Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro…; Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku 105 ha và Công ty Lâm nghiệp Ka Nak 10,1 ha trồng tại huyện Kbang. Ngoài ra, Công ty Lâm nghiệp Ia Pa liên doanh với Công ty Phúc Phong Gia Lai và Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên trồng 300 ha; Công ty Lâm nghiệp Kông Chiêng liên doanh với Nhà máy MDF Gia Lai và Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên trồng 250 ha…

Kết quả đạt chưa cao

Trên cơ sở tổng hợp đánh của Sở Nông nghiệp và PTNT, ngày 8-3-2017, UBND tỉnh ra Thông báo số 27/TB-UBND phân bổ kế hoạch trồng rừng năm 2017 cho từng địa phương với tổng diện tích là 7.491 ha. Trong đó, rừng sản xuất 6.222 ha; rừng phòng hộ, đặc dụng 269 ha và trồng cây phân tán 1.000 ha. Đối với việc trồng rừng sản xuất và trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng/ha nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí. Ngoài ra, việc triển khai trồng cây trên địa bàn tỉnh phụ thuộc thời tiết của 2 khu vực: các huyện phía Tây trồng vào các tháng 5, 6 và 7; các huyện phía Đông trồng vào các tháng 8, 9 và 10.

Ngoài các doanh nghiệp, các Ban Quản lý Rừng phòng hộ có đất và được giao chỉ tiêu trồng rừng, UBND các huyện cũng được phân chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, các huyện phía Tây mới chỉ triển khai trồng được khoảng 550 ha; một số địa phương, đơn vị mới tiến hành phát dọn thực bì, đào hố. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai Lâm Văn Long, khó khăn nhất đối với các huyện phía Tây là người dân chưa có thói quen trồng rừng so với các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh nên khi chuyển đổi một số diện tích đất sang trồng rừng, chính quyền rất vất vả trong công tác tuyên truyền về quyền lợi mà người dân được thụ hưởng. Trong năm 2017, kế hoạch thuận lợi nhất vẫn là thực hiện trồng cây phân tán thuộc các tuyến đường liên thôn, liên xã, các khu vực công cộng, trường học…

Mặt khác, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Trịnh Văn Thành: “Đến nay chưa có kinh phí từ Trung ương hỗ trợ để triển khai trồng rừng. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trước mắt các huyện phải chủ động kinh phí bằng cách giao cho một số phòng, ban và một phần ngân sách huyện để triển khai trồng cây phân tán năm 2017 cho kịp tiến độ. Như tại huyện Đức Cơ, địa phương đã chủ động kinh phí trên 600 triệu đồng, trong đó nhân dân và các đơn vị tự cân đối trên 150 triệu đồng; Đội Công trình Giao thông và Dịch vụ Đô thị huyện hơn 84 triệu đồng và ngân sách huyện hơn 370 triệu đồng”. Cũng theo ông Thành, hiện nay, UBND tỉnh chưa ban hành quy hoạch 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) để làm cơ sở thu phí bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường… theo Quyết định số 53/2008/QĐ-UBND ngày 9-10-2008 của UBND tỉnh.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm