Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Gia Lai: Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng cách điều trị cắt cơn giải độc, sau đó dạy nghề, tạo việc làm và tổ chức lao động sản xuất để quản lý, giúp người cai nghiện phục hồi sức khỏe, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai đã giúp nhiều người nghiện trở về địa phương có thể tự kiếm sống bằng những nghề đã được học.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh-cho biết: Ngoài nhiệm vụ giúp học viên cai nghiện, cán bộ còn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từng học viên để tạo sự chuyển biến về tư tưởng, giúp họ sớm hoàn lương. Các học viên khi vào đây đều được học nội quy, quy chế, các văn bản quy phạm pháp luật; được đào tạo nghề, lao động trị liệu và làm công tác phục vụ tùy theo khả năng, năng lực từng người; được tự chọn học một nghề để sau này trở về địa phương có thể tự kiếm sống bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Trong quá trình giảng dạy, Cơ sở xây dựng những chuyên đề về tự cai nghiện, bổ sung kỹ năng sống để hòa nhập xã hội.
 Dạy nghề cho học viên tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: K.P
Dạy nghề cho học viên tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: K.P
Anh Lê Văn Bằng (thị trấn Kbang, huyện Kbang)-một học viên đang hàn dụng cụ tập thể dục-tâm sự: “Lỗi lầm trước đây tôi không muốn nhắc đến, bây giờ chỉ biết cố gắng phấn đấu cai nghiện thật tốt để trở lại là chính mình. Mấy tuần trước được thông báo có lớp dạy nghề ngắn hạn về điện, nước, hàn, sửa xe máy dành cho học viên, tôi vui lắm. Cả đêm đó, tôi và mấy người cùng phòng thao thức trò chuyện, xác định sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có một nghề kiếm sống”.
Họ-từ những con người từng chìm đắm trong “làn khói trắng”, tưởng không còn lối thoát-nay đã dần lấy lại ý thức, niềm tin và cố gắng gây dựng tương lai mới, sống có ích. Những giờ lên lớp học hỏi kiến thức cơ bản, rồi tiếp cận thực hành các kỹ năng về an toàn lao động, vận hành các máy móc, thiết bị đã giúp không ít học viên vực lại tinh thần. Anh Hồ Xuân Thành (thị xã An Khê) hồ hởi khoe: “Trước đây, nhìn những người thợ sửa xe máy làm việc, tôi cứ nghĩ đơn giản nhưng học nghề mới thấy phải qua nhiều công đoạn. Tôi sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở về địa phương tìm cho mình một công việc ổn định để nuôi sống gia đình”.
Để công tác cai nghiện thành công, công tác giáo dục phục hồi nhân cách và lao động, sản xuất để tái hòa nhập cộng đồng là yêu cầu rất quan trọng. Bởi, nếu không được lao động, học viên sẽ rất mệt mỏi, lúc nào cũng nghĩ đến việc trốn trại, đi tìm ma túy. Có việc làm đồng nghĩa với việc sẽ không còn thời gian để nghĩ đến chất gây nghiện. Bằng nhiều cách, vận động nhiều mối quan hệ, thời gian qua, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh để dạy nghề cho học viên. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Cơ sở đã tổ chức dạy nghề sửa máy nổ, điện, nước, sửa xe máy… cho hơn 200 học viên.
Theo Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, nếu đến với Cơ sở chỉ để cai nghiện, không được làm việc, học tập thì các học viên sẽ không nhận ra giá trị của lao động, của cuộc sống, sau khi về địa phương các em sẽ dễ tái nghiện. Chính lao động, học nghề là biện pháp hữu hiệu, giúp cai nghiện và tạo việc làm để học viên tự mình nuôi sống bản thân, gia đình. “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác nắm bắt nhu cầu học nghề của các học viên để mở lớp, Cơ sở đã có những thành công nhất định. Thời gian tới, mong tỉnh tạo điều kiện quan tâm đầu tư mở rộng Cơ sở để học viên có điều kiện học nghề tốt hơn”-ông Sơn cho biết thêm.
Khánh Phong

Có thể bạn quan tâm