Nông trại “hút” khách
Nếu người trẻ chọn vùng đất Gia Lai là điểm trekking lý tưởng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang), đỉnh núi Chư Nâm (huyện Chư Păh), thác Ia Tul (huyện Ia Pa)… thì các gia đình có người lớn tuổi hay con nhỏ lại lựa chọn mô hình nông trại xanh kết hợp với dịch vụ du lịch trải nghiệm. Với lợi thế không gian thoáng đãng, trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều nông trại tại Gia Lai hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Nông trại Huyfarm (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) luôn hút khách vào mỗi dịp lễ. Ảnh: Mai Ka |
Sau khi tìm hiểu, chị Nguyễn Thị Phương (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) đã chọn Gia Lai là điểm đến nghỉ ngơi, trải nghiệm cho cả gia đình trong dịp lễ 30-4. Theo chị Phương, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cùng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, con người ngày càng chú trọng việc chăm sóc sức khỏe. Đó là lý do chị chọn loại hình du lịch về với thiên nhiên tại các nông trại ở Gia Lai.
“Gia đình tôi mong muốn sẽ có trải nghiệm thú vị khi về với ruộng vườn, cây cỏ để các con được hòa mình vào với thiên nhiên cũng như hóa thành những nông dân thực thụ. So với nhiều vùng trong cả nước thì Gia Lai có khí hậu ôn hòa, dễ chịu. Vì thế, chúng tôi yên tâm để bố mẹ và các con thoải mái tham gia các hoạt động. Dự kiến, cả gia đình sẽ tham quan nông trại quýt đường chuẩn VietGAP ở huyện Chư Păh, sau đó ghé thăm một số trang trại dâu tây tại TP. Pleiku và một số điểm đến trong lành như Biển Hồ, Chư Đang Ya…”-chị Phương chia sẻ.
Du lịch nông trại là hình thức thư giãn, giải trí và rèn luyện thể lực cũng như tìm hiểu về công việc và cuộc sống của nhà nông. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, dịp lễ năm nay, anh Đàm Quang Huy-Chủ nông trại Huyfarm (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã chăm sóc khu vườn với diện tích 3 ha gồm ao cá, vườn cây ăn quả và một số vật nuôi khác để đón khách. Huyfarm có nhiều lợi thế khi nằm trên tuyến đường dẫn vào các điểm du lịch nổi tiếng của huyện Chư Păh như: làng Kép (xã Ia Mơ Nông), Thủy điện Ia Ly, suối đá làng Vân (thị trấn Ia Ly)…
Thời điểm này, khi bước chân vào nông trại, du khách sẽ được hòa mình vào sắc cam rực rỡ của vườn quýt căng tròn mọng nước. Anh Huy cho biết: “Chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đặt lịch tham quan, trải nghiệm trong 5 ngày nghỉ tới đây. Với tinh thần đón tiếp “du khách như người thân”, khi đến với nông trại của chúng tôi, du khách sẽ được tận hưởng không gian yên bình, thưởng thức quýt đường thanh ngọt và có thêm nhiều bức ảnh check-in cực đẹp”.
Dù là mới đi vào hoạt động nhưng nông trại Alpaca (169 Nguyễn Kiệm, phường Yên Thế, TP. Pleiku) dự kiến trong dịp lễ này sẽ đón trên 2.000 lượt du khách tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Anh Võ Mai Tú-Chủ nông trại-cho hay: Để thu hút khách, ngoài hiệu ứng tích cực, mới lạ từ những chú lạc đà Alpaca cùng một số động vật khác thì nông trại còn chú trọng quy hoạch bài bản hệ thống cây xanh, thiết kế khu vực trải nghiệm như picnic, cắm trại và cả điều kiện để du khách có thể ở lại lâu hơn, cùng tham gia lao động, chăm sóc động vật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng quảng bá hình ảnh trên các trang mạng xã hội, fanpage và tích cực kết nối với bạn bè gần xa để thu hút khách đến Pleiku tham quan, trải nghiệm.
Nông trại Alpaca (169 Nguyễn Kiệm, phường Yên Thế, TP. Pleiku) dự kiến dịp lễ này sẽ đón trên 2.000 lượt du khách tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Ảnh: Trần Dung |
Là đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê lều cắm trại, anh Nguyễn Vũ Nhân (608 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) cho hay: Năm nay, nhiều gia đình đặt thuê lều từ nhiều ngày trước lễ để cắm trại tại một số nông trại rộng rãi, thoáng đãng trong tỉnh. “Hầu hết những nông trại này nằm gần thành phố, có không gian thư giãn. Hiện nay, số lượng lều được đặt thuê gần như đã hết. Đối với nhiều du khách ở xa, không có kinh nghiệm dựng lều, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ lều, đèn trang trí, bàn ghế, thực phẩm… Giá cho thuê mỗi lều 150-300 ngàn đồng/ngày”-anh Nhân chia sẻ.
Nối dài những vòng xoang
Thực tế cho thấy, khách du lịch khi đến với Gia Lai đều bị mê hoặc bởi nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar. Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Truyền thông du lịch Le Pleiku-thông tin: “Dịp lễ năm nay, đoàn khách đến với Gia Lai đông hơn mọi năm. Chúng tôi đã nhận kín lịch trong những ngày lễ. Ngoài các tour trekking về thác 50, núi Chư Nâm…, Công ty còn có các tour về với các làng du lịch cộng đồng. Với nhu cầu trải nghiệm, giao lưu, du khách trong và ngoài tỉnh mong muốn được ở lại với bà con trong vài ngày”.
Làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) được nhiều du khách yêu mến và chọn làm điểm đến cho kỳ nghỉ dài ngày năm nay. Ảnh: Trần Dung |
Những ngày này, làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) lại rộn rã tiếng cồng chiêng để chuẩn bị đón những đoàn du khách phương xa ghé thăm. Già làng đã phân chia mọi người thành từng nhóm, chỗ thì dệt vải, học may làm ra các sản phẩm thổ cẩm, nơi thì học nấu món ăn truyền thống của người Bahnar, nhóm khác lại chăm chỉ luyện tập cồng chiêng, học kỹ năng đón tiếp khách… Già làng Đinh Mưnh bày tỏ: “Cứ mỗi dịp lễ là làng mình lại rất vui. Người Bahnar ở làng Mơ Hra-Đáp luôn cởi mở, thân thiện đón tiếp mọi người tới đây tìm hiểu, giao lưu văn hóa, cùng nhau nắm tay hòa vào điệu xoang, nhảy theo nhịp chiêng. Nhờ đó mà nét văn hóa của người Bahnar cũng được yêu quý, lan tỏa hơn”.
Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) cũng là ngôi làng được nhiều du khách yêu mến và chọn làm điểm đến cho kỳ nghỉ dài ngày năm nay. Làng nằm cách trung tâm xã chừng 12 km về hướng Đông và nằm trên đỉnh Pờ Yầu xanh mát. Người dân Bahnar nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Từ Hà Nội, anh Trần Minh Trung cùng nhóm bạn của mình chọn Pờ Yầu để lưu trú và trải nghiệm. Sau khi chinh phục những con dốc dài, uốn lượn để lên đỉnh cao trên 1.100 m so với mặt nước biển, nhóm bạn của anh Trung sẽ ở lại làng trong suốt kỳ nghỉ. “Ở đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu đời sống văn hóa, không gian kiến trúc của làng cũng như ẩm thực của người Bahnar. Sau mỗi ngày, chúng tôi sẽ giao lưu cồng chiêng, múa xoang và chìm đắm vào những bài dân ca của người Bahnar. Hy vọng tới đây, chúng tôi không chỉ được ngắm cảnh, check-in mà còn có thêm những trải nghiệm quý giá”-anh Trung kỳ vọng.
Nhiều du khách thuê lều để cắm trại tại một số nông trại có diện tích rộng rãi, thoáng đãng. Ảnh: Mai Ka |
Ngoài ra, nhiều du khách cũng mong muốn được đặt chân đến với những ngôi làng như: làng Phung, Kép (xã Ia Mơ Nông), làng Mrông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Păh), làng Ốp (phường Hoa Lư), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku)… để được chiêm ngưỡng nhà rông, giọt nước, nhà mồ… hay trực tiếp tham gia dệt thổ cẩm, đánh chiêng, múa xoang.
Một trong những điều thú vị nhất khi du khách đến với vùng đất Gia Lai là được khám phá ẩm thực và văn hóa cồng chiêng. Đây được xem như bản sắc của các dân tộc thiểu số khiến du khách bị mê hoặc. Ông Phạm Văn Hoàng-Chủ quán Cơm lam gà nướng H'Bla T'rưng (220 Lê Duẩn, TP. Pleiku) cho biết: “Bất cứ ai khi được trực tiếp giao lưu đều không khỏi ấn tượng và thích thú trước loại hình văn hóa đặc sắc này. Bởi vậy, ngoài việc chú trọng xây dựng ẩm thực độc đáo chúng tôi còn tổ chức những đêm lửa trại, biểu diễn cồng chiêng để thu hút du khách. Những đoàn khách tới đây đều yêu cầu đốt lửa trại kết hợp văn nghệ với đàn trưng của người Jrai để họ giao lưu, trải nghiệm. Đây được xem là hoạt động đặc biệt của chúng tôi để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách”.