Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, các địa phương cùng ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, góp phần mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Gia Lai. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã trở thành cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. 
OCOP là một chương trình lớn được Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018. Tại Gia Lai, ngày 23-1-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Qua 1 năm triển khai, Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đã ký phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019. Theo đó, toàn tỉnh có 8 sản phẩm của 6 chủ thể được công nhận đạt 4 sao, 34 sản phẩm của 27 chủ thể đạt 3 sao. Các sản phẩm này được UBND tỉnh cấp giấy công nhận, được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “OCOP Gia Lai” và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định. Kết quả công nhận có giá trị trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ký.
 Các sản phẩm nông sản được trưng bày tại hội chợ triển lãm OCOP tỉnh lần thứ I-2019. Ảnh: V.T
Các sản phẩm nông sản được trưng bày tại hội chợ triển lãm OCOP tỉnh lần thứ I-2019. Ảnh: V.T
Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cho biết: “Việc sản phẩm gạo Phú Thiện được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm đạt 3 sao là cơ hội lớn cho nông dân địa phương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là động lực để Hợp tác xã ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để đầu ra ổn định, Hợp tác xã rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương”.
Tương tự, cơ sở Trịnh Thị Lương (155 Trường Chinh, TP. Pleiku) có sản phẩm Cà phê Dalasa được đánh giá 3 sao cấp tỉnh. Chia sẻ về điều này, bà Trịnh Thị Lương cho hay: “Đây là cơ sở tốt nhất để tạo niềm tin với khách hàng. Trong các chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức, chúng tôi đều tham gia, từ đó lượng khách hàng biết đến thương hiệu Dalasa nhiều hơn. Đặc biệt, khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cà phê của chúng tôi được tham gia ở nhiều sàn thương mại điện tử khác nhau, từ đó có cơ hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại qua nhiều hình thức như: giới thiệu sản phẩm OCOP trong các phiên chợ hàng Việt Nam, trưng bày các sản phẩm OCOP trong các lễ hội, hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm tổ chức trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương đến với cộng đồng; hỗ trợ về hoạt động thương mại điện tử; tổ chức quảng bá sản phẩm gắn liền với phát triển du lịch mà nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, mật ong, rượu ghè, thịt bò một nắng muối kiến vàng, hạt mắc ca, sachi, măng le rừng… đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Nhiều sản phẩm đã tìm được đầu ra ổn định, xây dựng hệ thống phân phối, kết nối với hệ thống bán lẻ khắp nơi, thậm chí vươn ra thị trường thế giới. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP đã thúc đẩy và tạo cơ hội hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.
Đến nay, qua 1 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần khai thác tiềm năng lợi thế của các địa phương, tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đây là bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, giúp chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn. Đặc biệt, việc 42 sản phẩm OCOP được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh chấm đạt 3-4 sao đã mở ra nhiều triển vọng phát triển cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Bích Thu cho biết thêm, để các sản phẩm OCOP của tỉnh có cơ hội vươn rộng ra thị trường, công tác thông tin tuyên truyền tạo niềm tin cho người tiêu dùng rất quan trọng, từ đó tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, người sản xuất hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm khi mạng lưới bán hàng chủ yếu là kênh phân phối truyền thống. Do đó, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, từng bước đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa ra thị trường, góp phần khẳng định thương hiệu đặc sản Gia Lai. 
 VŨ THẢO 

Có thể bạn quan tâm