Bạn đọc

Gia Lai: Hội thảo công tác tuyên truyền miệng về BHXH, BHYT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 20-11, tại TP. Pleiku, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương), Trung tâm Truyền thông (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện vào cuộc sống". 

Đồng chủ tọa hội thảo có các đồng chí: Đoàn Văn Báu-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương); Tống Thới Mốc-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Văn Lực-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai. Hội thảo có sự tham dự của các báo cáo viên cấp tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, Ban Tuyên giáo, BHXH cấp huyện.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Như Nguyện


Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc thông tin: Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH; trong đó, tiếp tục khẳng định quan điểm: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”.

Đối với tỉnh Gia Lai, triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về công tác BHXH, BHYT, phân công trách nhiệm đối với từng thành viên. Các cấp, các ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch, ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện; đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương.


Tính đến hết tháng 10-2020, tỉnh Gia Lai có trên 1,3 triệu người tham gia BHYT, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 89% dân số toàn tỉnh; gần 86.000 người tham gia BHXH, trong đó, tham gia BHXH tự nguyện trên 8.500 người, tăng trên 4.400 người. Công tác giải quyết các chế độ BHXH được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao hơn trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn đòi hỏi cần phải có sự tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuy nhiên, nội dung tuyên truyền và đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.

“Hội thảo lần này mong muốn được nghe những ý kiến tâm huyết, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các địa phương, đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện”-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đề xuất.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 9 tham luận của các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT thời gian qua. Một số tham luận đáng chú ý như: Kết quả và giải pháp nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho đối tượng có BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai của Sở Y tế; Những kết quả chủ yếu trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và BHXH tự nguyện của Báo Gia Lai; Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong công nhân, viên chức, lao động của Liên đoàn Lao động tỉnh…

Ông Đoàn Văn Báu-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Nguyện


Phát biểu tổng luận hội thảo, ông Đoàn Văn Báu-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh: Tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện vào cuộc sống. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng. Trong việc tuyên truyền thì tập trung biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện, từ đó nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho lực lượng làm công tác tuyên truyền BHXH, BHYT. Các cấp, ngành cần có sự liên kết, phối hợp chẽ trong công tác tuyên truyền.

Đồng thời, ngành Tuyên giáo nói chung, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở nói riêng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đổi mới cả nội dung lẫn hình thức tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để người dân nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và tham gia BHXH, BHYT… Ngoài ra, trong quá trình tuyên truyền cần lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân về những vướng mắc trong việc tham gia BHXH, BHYT để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.                              

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm