(GLO) Ngày 15-6, tại xã Ia Krái, UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh tổ chức Hội thảo di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan của tỉnh cùng lãnh đạo cấp ủy chính quyền huyện Ia Grai; lãnh đạo Quân đoàn 3, Sư đoàn 320, các cựu chiến binh tham gia trận đánh đồi Chư Nghé...
Hội thảo đã khái quát tình hình, diễn biến, kết quả của chiến thắng lịch sử Chư Nghé. Tháng 9-1973, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 320 mở đợt hoạt động quân sự tiến công địch đang lấn chiếm phía Tây thị xã Pleiku, mục tiêu chủ yếu là căn cứ Chư Nghé.
Các đại biểu phát biểu góp ý tại hội thảo. Ảnh: N.S |
Căn cứ điểm Chư Nghé do Tiểu đoàn 80 Biệt động quân (Quân đoàn 2 ngụy) chiếm giữ đóng khá sâu trong vùng giải phóng huyện 4, tỉnh Gia Lai (nay thuộc xã Ia Krái, huyện Ia Grai), phía Đông cách Pleiku hơn 40km và được kết nối với nhau thông qua các tỉnh lộ 5A, 5B. Phía Tây Bắc căn cứ là các điểm cao 352, 327, sông Pô Cô, cách đường vận chuyển chiến lược của ta 10km. Cứ điểm được bao bọc bởi 9 đến 14 lớp rào thép gai các loại, có chông, mìn chống bộ binh và mình chống xe tăng dày đặc… Ngày 21-9-1973, xét thấy thời cơ đánh chiếm căn cứ đã chín muồi, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) lệnh cho các đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa. 13 giờ ngày 22-9-1973, Thiếu tá Trần Ngọc Chung-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 đã hạ lệnh tấn công. Sau hơn 3 giờ tấn công, đến 16 giờ 40 phút cùng ngày, Trung đoàn 48 làm chủ hoàn toàn trận địa. Toàn bộ Tiểu đoàn 80 Biệt động quân của địch bị ta bắt sống và tiêu diệt gọn, thu 50 tấn đạn và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác.
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày hiện vật của trận chiến Chư Nghé. Ảnh: N.S |
Chiến thắng Chư Nghé chẳng những tiêu diệt lớn hỏa lực địch ngay tại một trung tâm xuất phát hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, mà còn là đòn trừng trị đích đáng, lời cảnh báo đanh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình phá hoại Hiệp định Paris. Chiến thắng này đã làm cho địch rối loạn trong việc mở rộng vùng giải phóng về phía Tây Nam Pleiku và vùng hành lang tiếp vận chiến lược lương thực của ta, tạo khí thế mới cho quân và dân tỉnh Gia Lai, mặt trận Tây Nguyên lập nên những chiến công mới. Chiến thắng Chư Nghé còn là một bước phát triển phương thức tác chiến tiến công địch phòng ngự trong công sự kiên cố ở địa bàn rừng núi Tây Nguyên của Trung đoàn 48.
Tại hội thảo, huyện Ia Grai đã trình bày đề án quy hoạch xây dựng di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé với diện tích rộng gần 2ha, bao gồm các công trình: Đài chiến thắng, lô cốt, công sự, hầm hào… Sau hội thảo, huyện Ia Grai sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh Gia Lai công nhận di tích chiến thắng Chư Nghé thuộc làng Doch Ia Krot (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ngọc Sang