Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Anh Huy |
Đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ nhiệm đề tài, chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Phó Bí thư và Trưởng ban Tuyên giáo một số Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các thành viên thực hiện đề tài.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nêu một số kết quả nổi bật cũng như hạn chế nhất định trong công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở sau 40 năm triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Theo đó, một số cấp uỷ Đảng có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền miệng; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhìn chung tuy đông nhưng không mạnh, phương thức hoạt động chưa theo kịp sự phát triển của tình hình, nặng một chiều từ trên xuống, chưa nắm kịp thời diễn biến tư tưởng của các tầng lớp nhân dân...
Trước thực trạng trên, việc nghiên cứu Đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai” nếu được triển khai một cách khoa học, chặt chẽ sẽ có đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Anh Huy |
Đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai” được cơ quan chủ trì giao cho nhóm nghiên cứu bắt đầu triển khai từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9-2023 và các nội dung đề tài cơ bản được triển khai đảm bảo theo tiến độ. Đề tài gồm 10 chuyên đề đã được nhóm nghiên cứu xây dựng, từ những vấn đề lý luận chung về công tác tuyên truyền miệng (chuyên đề 1, 2), đến thực trạng tổ chức và hoạt động của lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng (chuyên đề 3, 4, 5, 6) và một số giải pháp xây dựng, tổ chức hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trong điều kiện hiện nay (các chuyên đề còn lại).
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tổ chức điều tra xã hội học tại 34 xã, phường, thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố để xin ý kiến đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về vấn đề xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở; tham khảo mô hình xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại cơ sở ở 4 tỉnh (Hà Giang, Điện Biên, Lâm Đồng, Đăk Nông) có sự tương đồng với tỉnh Gia Lai; xây dựng bộ tài liệu phục vụ việc tập huấn cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở chọn làm thí điểm tại 8 xã, phường...
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Sê tham gia ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Anh Huy |
13 ý kiến trực tiếp của đại biểu tại hội thảo đã cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung và tính cần thiết của đề tài. Đồng thời các đại biểu cũng tham gia bổ sung, góp ý đối với từng chuyên đề, cụ thể là thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở; các giải pháp mang tính khoa học, khả thi làm cơ sở để áp dụng vào thực tiễn sau khi đề tài được nghiệm thu...
Trên cơ sở những ý kiến tham gia của các đại biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh đề nghị các thành viên nhóm nghiên cứu tiếp thu một cách nghiêm túc, bổ sung, tu chỉnh để tiếp tục hoàn thiện đề tài.