Điểm đến Gia Lai

Hội thảo khoa học Di tích “Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 12-9, UBND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) tiến hành Hội thảo khoa học di tích “Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965” nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhân chứng lịch sử để hoàn thiện hồ sơ trình xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Dự hội thảo có Thiếu tướng, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lộ Khắc Tâm-nguyên Phó cục trưởng tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Trưởng Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 1 (trực thuộc Bộ tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, nay là Bộ Quốc phòng); Đại tá Hoàng Oanh-Phó trưởng Ban Liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 1; Đại tá Đặng Mỹ Hạnh-Phó Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ Cục tuyên huấn, Tổng Cục chính trị; Đại tá Lê Tuấn Hiền-Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Tham dự hội thảo còn có đại diện Quân đoàn 3, Bảo tàng Quân đoàn 3, Công ty Bình Dương-Binh đoàn 15, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bảo tàng tỉnh… cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử; đại diện các phòng, ban của huyện Chư Prông.

Đêm 19-10-1965, Chiến dịch Pleime mở màn. Sự thất thế của quân Việt Nam Cộng hòa tại Pleime buộc tướng Oét-mo-len ra lệnh điều Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ tham chiến. Ngày 24-10, Mỹ dùng trực thăng đổ 1 tiểu đoàn xuống nam Phú Mỹ, đến buổi chiều cùng ngày, Mỹ tiếp tục không vận pháo 105 mm xuống gần Pleime. Hoạt động vây điểm diệt viện kéo Mỹ tham chiến của Quân giải phóng đã diễn ra đúng kế hoạch. Ngày 26-10, ta quyết định mở vây, chuyển toàn bộ Trung đoàn 33, 66, 320 về thung lũng Ia Drăng sẵn sàng chờ đánh quân Mỹ đổ bộ.

Như vậy, từ ngày 14 đến 17-11-1965 với 4 trận đánh của Trung đoàn bộ binh 66 và Tiểu đoàn bộ binh 1 của Trung đoàn bộ binh 33 (thiếu) đã tiêu diệt hơn 300 tên địch, làm bị thương 246 tên. Về phía ta có 157 đồng chí hy sinh, 239 đồng chí bị thương. Ngày 19-11-1965, quân Mỹ rút lui khỏi thung lũng Ia Drăng.

Các nhà khoa học và nhân chứng khảo sát thực địa tại thung lũng Ia Drăng (xã Ia Púch, huyện Chư Prông). Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Các nhà khoa học và nhân chứng khảo sát thực địa tại thung lũng Ia Drăng (xã Ia Púch, huyện Chư Prông). Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Trận đánh tại thung lũng Ia Drăng (nay thuộc địa phận xã Ia Púch, huyện Chư Prông) là trận then chốt quyết định trong chiến dịch Pleime. Sau trận này, Mỹ đã chính thức thất bại trong chiến dịch Pleime. Thắng lợi của ta trong trận đánh tại thung lũng Ia Drăng đã gây tiếng vang lớn, đã trả lời cho câu hỏi “ta có đánh thắng được Mỹ hay không?” và khẳng định “ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ”.

Đối với quân Mỹ, đây là trận đánh trở thành nỗi kinh hoàng. Trong hồi ký của mình, tướng Oét-mo-len đã thừa nhận “đây là tổn thất nghiêm trọng của Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ trong trận đầu ra quân ở Tây Nguyên”. Trận đánh đã vượt qua khuôn khổ chiến thuật và trở thành trận đánh có tầm cỡ chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược. Trận đánh không chỉ làm thương vong cả một thể diện, uy tín đội quân nhà nghề của Mỹ, mà còn làm thương vong đến tất cả lực lượng, quân ngụy cũng mất lòng tin vào quân Mỹ, các nước chư hầu cũng mất niềm tin vào quân Mỹ. Sau trận đánh này, những nhà cầm quyền ở Mỹ cho rằng họ không thể thắng được Việt Nam nếu không tiếp tục tăng quân. Trận đánh Ia Drăng là điểm mở đầu của thời kỳ Mỹ tăng quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất về tên gọi di tích là “Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965”, thống nhất các mốc sự kiện lịch sử, thống nhất về diện tích khoanh vùng và phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích. Đề nghị UBND huyện Chư Prông giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nghiên cứu thực hiện các quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất di tích; Phòng Văn hóa và Thông tin huyện điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ sớm trình Sở Văn hóa-Thông tin và Thể thao, UBND tỉnh xem xét, xếp hạng là di tích cấp tỉnh.

Có thể bạn quan tâm