Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Gia Lai: Hơn 7.700 đại biểu học tập, quán triệt các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 13-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh để học tập, quán triệt các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng. Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính (Hội trường 2-9, TP. Pleiku) đến 239 điểm cầu tại các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh và điểm cầu cấp xã với 7.741 đại biểu tham dự.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn (bìa phải)-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Đồng chí Châu Ngọc Tuấn (bìa phải)-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Dự hội nghị tại điểm cầu chính có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu và giúp việc Tỉnh ủy, các ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy quán triệt Kết luận số 54-KL/TW ngày 9-5-2023 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tại Kết luận này, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quyết định số 99-QĐ/TW gắn với Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, các quy định có liên quan của Đảng, nhất là quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đóng góp ý kiến, phản ánh, giám sát biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu...

Quang cảnh hội nghị tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Quang cảnh hội nghị tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Cùng với đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật có liên quan, tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” sát với thực tiễn. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân gắn với tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác vận động Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW; xử lý nghiêm minh, kịp thời cán bộ, đảng viên vi phạm và phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả…

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP của cả nước.

Phấn đấu đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu, đóng góp 7% vào GDP, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. Tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP cả nước.

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Ảnh: Mộc Trà
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Ảnh: Mộc Trà

Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, gồm: thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.

Tại hội nghị, đồng chí Võ Hoàng Bình-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng quán triệt đến toàn thể cán bộ toàn tỉnh Quy định số 99-QĐ/TW ngày 27-2-2023 của Ban Bí thư về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Hướng dẫn số 105-HD/BTGTW ngày 29-5-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Quy định của Ban Bí thư về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng.

Theo đó, về quy cách, cờ Đảng có hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, ở giữa có biểu tượng “Búa-Liềm”. Hình “Búa” và hình “Liềm” đặt vuông góc với nhau (không có nét chồng tại chỗ giao nhau giữa “Búa” và “Liềm”). Đường kính của “Búa-Liềm” bằng 4/10 chiều ngang lá cờ; “Búa-Liềm” đặt ở trung tâm của lá cờ; hình “Búa” đặt chếch lên 45 độ so với chiều ngang lá cờ, hình “Liềm” đặt vuông góc so với hình “Búa”; cán “Búa” và cán “Liềm” hình chữ nhật; mặt trên cùng đầu “Búa” tạo thành đường thẳng với đỉnh nhọn lưỡi “Liềm”; điểm giao giữa cán “Búa” và đầu “Búa” tạo thành đường thẳng với mặt trên cán “Liềm”; điểm dưới cùng của cán “Búa” tạo thành đường thẳng ngang với điểm dưới cùng của cán “Liềm”. Nền cờ màu đỏ tươi (như màu của cờ Tổ quốc); biểu tượng “Búa-Liềm” màu vàng tươi (như màu ngôi sao vàng 5 cánh của cờ Tổ quốc). Tùy vào quy mô, tính chất sự kiện và mục đích sử dụng mà lựa chọn kích thước cờ cho phù hợp nhưng phải bảo đảm đúng quy cách nêu trên.

Ban Bí thư yêu cầu sử dụng cờ Đảng đúng mục đích, quy cách, phù hợp với tính chất sự kiện; tuyệt đối không sử dụng cờ Đảng hỏng, sờn, rách, xuống màu, bong tróc. Cờ Đảng luôn treo sát cùng với cờ Tổ quốc khi trang trí khánh tiết. Vị trí, địa điểm treo cờ Đảng cần bảo đảm mỹ quan, trang trọng, đồng bộ với không gian chung; tuyệt đối không để lá cờ chạm đất…

Quy định số 99-QĐ/TW cũng nêu rõ đối tượng sử dụng cờ Đảng, thời gian treo cờ Đảng, cách thức sử dụng cờ Đảng, các hành vi nghiêm cấm khi sử dụng cờ Đảng và thu hồi, thay thế cờ Đảng không đúng quy cách, bị hỏng, bạc màu.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Hội nghị nhằm giúp cán bộ toàn tỉnh nắm vững mục đích, yêu cầu và các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng tại các nghị quyết, quy định, kết luận trên; từ đó, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động để gương mẫu, tự giác thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình. Đây cũng là cơ sở để các cấp ủy, chính quyền tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao ở từng cấp ngành, địa phương, đơn vị; góp phần đưa các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng sớm đi vào cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm