(GLO)- Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được tỉnh thông qua cuối năm 2016, du lịch sinh thái được xem là loại hình chiến lược trong định hướng phát triển, tạo sản phẩm mang tầm quốc gia và định hình thương hiệu cho du lịch Gia Lai.
Trong nhiều cuộc bàn thảo về đường hướng phát triển du lịch, các chuyên gia, giới kinh doanh lữ hành cho rằng, du lịch sinh thái sẽ là điểm mạnh của Gia Lai trong tương lai. Lãnh đạo tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến loại hình du lịch này bằng những chuyến khảo sát thực tế tại 2 khu vực sinh quyển là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (tháng 4-2016) và mới đây nhất là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (tháng 4-2017).
Thác 50 trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Đức Thụy |
Bắt kịp xu thế
Cuối tháng 4 này, một nhóm bạn trẻ gần 20 người sẽ làm một chuyến thám hiểm rừng già trong tour “K50 ngày trở lại” do bạn trẻ Phan Công Nam đứng ra tổ chức. Nói “trở lại” là bởi trước đó, Nam từng tổ chức nhiều cuộc thám du tương tự cho những người yêu thích thiên nhiên có cơ hội khám phá, trải nghiệm thác 50-được xem là thác nước đẹp nhất Gia Lai nằm trong vùng lõi rừng nguyên sinh thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang). Nam cho biết, những tour dạng này luôn phải giới hạn thành viên vì quá đông người đăng ký tham gia.
“Xu hướng du lịch của các bạn trẻ bây giờ không phải là những điểm đến thông thường. Họ muốn những tour “gai góc” hơn để được trải nghiệm, đổ mồ hôi trong hành trình khám phá thiên nhiên hoang dã. Ngay cả giới “phượt thủ” khắp nơi khi đến Gia Lai cũng thường tìm về nơi ghềnh thác, rừng già... để được gạt bỏ mọi thứ sang một bên “sống” với mẹ thiên nhiên”-Nam cho biết. Có lẽ vì vậy, dù tổ chức một tour băng rừng lội suối dạng này khó hơn rất nhiều so với tour thông thường nhưng anh cho rằng “hoàn toàn xứng đáng”.
Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Gia Lai bàn thảo về phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (Kbang). Ảnh: Đức Thụy |
Rõ ràng, du lịch sinh thái, “sống chậm” với thiên nhiên hoang sơ đang là xu hướng rất được yêu thích hiện nay, nhất là các bạn trẻ. Chị Nguyễn Thúy Loan là chủ một homestay ở Phố núi Pleiku, vốn có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều khách du lịch đến Gia Lai, nhận xét: “Gia Lai vẫn được nhắc đến với nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch nhưng đa số khách đến Gia Lai thời gian qua mà tôi biết chỉ thích các con sông, dòng suối, vào rừng ngắm thác. Mặc dù các thác nước ở Gia Lai cách nhau khá xa, đường vào không dễ dàng nhưng khách du lịch đã đến là thích và nhiều người không ngại ngần quay lại lần sau”.
Dạo quanh các diễn đàn du lịch Gia Lai hiện nay, địa chỉ được truyền tai nhau, được chia sẻ rầm rộ nhất vẫn là các địa chỉ du lịch sinh thái như thác Phú Cường, thác Kueng O (huyện Chư Sê), hồ Ayun Hạ (thị xã Ayun Pa), thác 50, thác Đak Krong (huyện Kbang), các khu rừng nguyên sinh ở huyện Mang Yang, Kbang... Anh Đinh Khánh Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Du lịch Môi trường rừng (thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Mang Yang) cho biết, khách du lịch và người dân trong tỉnh đến tham quan, khám phá Kon Ka Kinh không ngừng tăng hàng năm. Tổng lượng khách đến thăm Vườn trong năm 2016 là trên 1.500 lượt, tăng 12% so với năm 2015. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Vườn đón gần 400 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu.
Tuy nhiên, hiện nay ngoài một số tour, tuyến du lịch khám phá Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã được định hình thì các điểm du lịch sinh thái vẫn chưa được xây dựng thành những sản phẩm cụ thể. Một số tour khám phá thiên nhiên gần đây hầu hết đều do các bạn trẻ tự tổ chức. Anh Phan Công Nam cho biết: “Mặc dù không phải tour chuyên nghiệp nhưng chúng tôi hoàn toàn hài lòng sau mỗi chuyến đi. Chúng tôi yêu cầu các thành viên trong đoàn có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường ở những nơi đi qua với tôn chỉ: “Tới không lấy thứ gì, đi không để lại gì” hay “Không để lại gì ngoài những dấu chân”. Nếu đây trở thành loại hình du lịch mũi nhọn trong xu hướng phát triển của ngành du lịch thì cần đặt yếu tố bảo vệ lên hàng đầu”.
Thác Đak Pooc trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Minh Triều |
Tạo sự khác biệt
Đầu tháng 4 vừa qua, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có chuyến khảo sát Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng để tìm đường hướng phát triển cho ngành du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có. Cách đây đúng 1 năm (tháng 4-2016), ông cũng đã vào tận vùng lõi Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trực tiếp khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế của một trong những khu sinh quyển quý giá của Việt Nam.
Trong cả 2 đợt khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, với hệ thống rừng nguyên sinh còn dày, nhiều thác nước đẹp, khí hậu trong lành, hệ động-thực vật phong phú, cảnh quan hùng vĩ, hoang dã... là những điều kiện rất thích hợp để khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái. Như vậy, cùng với sự chỉ đạo sâu sát về đường hướng phát triển cho du lịch tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để các doanh nghiệp lữ hành có thể khai thác loại hình du lịch sinh thái một cách có định hướng và bền vững.
Được xem là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, nhưng cho đến nay, các sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn mờ nhạt trên bản đồ du lịch của khu vực. Người đứng đầu ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh ông Phan Xuân Vũ cho biết: “Các chuyên gia hàng đầu về du lịch nhìn nhận, du lịch sinh thái sẽ là thế mạnh của Gia Lai, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm du lịch của các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên. Cùng với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với sự phát triển của ngành du lịch, đây là những điều kiện thuận lợi và gợi mở có giá trị để ngành du lịch tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tầm quốc gia. Cộng hưởng với các loại hình du lịch khác như du lịch văn hóa, lịch sử, khảo cổ học..., du lịch sinh thái sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.
Minh Châu