Qua khám cho 1.921 học sinh của 5 trường học, đoàn phát hiện 1.139/1.921 học sinh bị cong vẹo cột sống, chiếm 59,25%, chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh học đường. Cụ thể, có 967/1.921 học sinh bị cong cột sống (gù, ưỡn), chiếm 50,3%; 172/1.921 bị vẹo cột sống, chiếm 8,95%. Ngoài ra, các bệnh tật học đường khác như: Sâu răng, tật khúc xạ, gầy còm… cũng phổ biến trong học đường.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai khám sàng lọc bệnh tật học đường tại Trường tiểu học Ia Nhin, huyện Chư Păh. Ảnh: Như Nguyện |
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Phương Việt Hằng-Khoa Sức khỏe môi trường-Y tế học đường- Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai) cho biết: Học sinh mắc các bệnh tật học đường như tật khúc xạ, cong vẹo cột sống liên quan đến điều kiện vệ sinh trường học chiếm tỷ lệ cao. Trung tâm đã kết hợp khảo sát về điều kiện vệ sinh trường học tại các trường được khám nhận thấy có mối liên quan đến tỷ lệ mắc các bệnh tật học đường. Nguyên nhân phần nhiều do các điều kiện vệ sinh trường học như không đủ ánh sáng, kích cỡ bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi, không đúng quy cách ảnh hưởng đến tư thế ngồi của học sinh.
“Đặc biệt, đoàn phát hiện rất nhiều trường hợp cong vẹo cột sống hoặc kết hợp cả cong và vẹo cột sống. Qua kết quả khám cho thấy ở các trường THCS, các em mắc cong, vẹo cột sống chiếm tỷ lệ rất cao so với các trường cấp Tiểu học”- bác sĩ Hằng thông tin.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, cột sống của trẻ còn mềm và độ cong cũng ít hơn người lớn. Vì thế, nếu tình trạng ngồi sai tư thế học tập lâu ngày như cúi gập, vẹo sang một bên... sẽ rất dễ gây ra tình trạng cong lưng hay vẹo cột sống. Khi cột sống bị cong vẹo, trọng tâm của cơ thể cũng bị lệch và khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi hoạt động, đồng thời lồng ngực có thể bị biến dạng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tim, phổi và khung chậu gây khó khăn cho việc sinh nở của học sinh nữ khi các em đến tuổi làm mẹ. Cong vẹo cột sống còn khiến người bệnh bị mặc cảm về ngoại hình.