Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai: Khẩn trương phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai hiện có 1.236,8 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút và 327,9 ha mía nhiễm bệnh trắng lá. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn cùng chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp ngăn chặn nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân.



Vụ mới vẫn lo sâu bệnh cũ

Vừa lội một vòng kiểm tra rẫy mì đang bị bệnh khảm lá vi rút gây hại, ông Đỗ Trung Kiên (thôn 2, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) cho hay: Hiện tại, 8 ha mì và mía của gia đình ông đều bị nhiễm bệnh. Với tình hình này, chắc chắn vụ này năng suất mì sẽ giảm mạnh. 3 ha mía trồng mới của gia đình ông cũng đã bị nhiễm bệnh trắng lá 20-30% diện tích. “Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp không đủ độ ẩm nên cây trồng sinh trưởng, phát triển chậm. Đây là điều kiện thuận lợi để 2 loại bệnh này bùng phát, lây lan mạnh”-ông Kiên nói.

Diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút tại xã Kim Tân (huyện Ia Pa). Ảnh: Quang Tấn


Còn ông Rcom Yơt (làng Ksing-Ia Kal, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) thì cho hay: “Cách đây mấy tháng, khi các hộ xung quanh rẫy thu hoạch mì, tôi đã lấy cây giống của họ về trồng trên diện tích 6 sào. Đến nay, mì mọc thưa thớt, lá quăn vì bệnh khảm lá vi rút. Nhổ thử vài cây kiểm tra thì thấy rất ít củ, không biết đến lúc thu hoạch có đủ để bù vào chi phí đầu tư phân bón và công chăm sóc không nữa”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ mùa 2021, nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-thông tin: Bệnh khảm lá vi rút hại mì xuất hiện lần đầu tiên tại huyện Phú Thiện và Ia Pa khoảng tháng 9-2018 với diện tích nhiễm bệnh khoảng 141 ha, sau đó tăng theo từng năm và đạt đỉnh vào năm 2020 với 1.821 ha. Sau 3 năm triển khai các giải pháp phòng ngừa, nhất là khâu chọn giống, đến nay, toàn tỉnh còn 1.236,8 ha mì bị bệnh, tập trung chủ yếu tại các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh. Hiện nay, bệnh khảm lá vi rút hại mì chưa có thuốc đặc trị và chưa có nguồn cây giống kháng bệnh nên nguy cơ lây lan trên diện rộng rất lớn. Còn đối với bệnh trắng lá mía, năm 2020 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trong vụ mùa 2021, do nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh trở lại với diện tích mía nhiễm bệnh khoảng 327,9 ha tại huyện Ia Pa.

Quyết liệt phòng trừ sâu bệnh

Bên cạnh nỗi lo giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao thì việc bệnh khảm lá vi rút hại mì và bệnh trắng lá mía đang trở thành nỗi lo của nhiều nông dân khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh. Ông Nguyễn Minh Hà (làng Teng A, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) nói: “Tôi trồng 5 ha mía và gần 4 ha mì tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa. Vừa rồi, cây mía bị bệnh trắng lá. Để hạn chế sự lây lan, tôi đành phải cày bỏ 3 ha để trồng lại cây mì cho kịp thời vụ”.

Nông dân huyện Ia Pa cày bỏ diện tích mía bị bệnh trắng lá để chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho hay: Vụ mùa 2021, cây mía phát triển kém và bệnh trắng lá mía đã xuất hiện trở lại với diện tích 393 ha. Ngoài ra, hơn 530 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút. Để giảm thiểu thiệt hại do bệnh trắng lá mía và khảm lá vi rút hại mì, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích bị nhiễm bệnh nặng sang trồng đậu đen, đậu nành, chỉ giữ lại những diện tích cây đã phát triển cao 1 m; tập trung chăm sóc, phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. “Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tuyển chọn các giống mì, mía có khả năng kháng 2 loại bệnh trên để làm giống. Đồng thời, chúng tôi đề nghị các nhà máy chế biến có vùng nguyên liệu trên địa bàn cùng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc mì, mía theo hướng bền vững”-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cần phối hợp với các địa phương theo dõi để phát hiện sớm và dự báo chính xác sâu bệnh gây hại cây trồng để phòng trừ kịp thời. Cùng với đó, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch và áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đối với bệnh khảm lá vi rút hại mì, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, chủ động bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ, tiêu hủy những diện tích mì bị nhiễm bệnh nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh lây lan. Đồng thời, khẩn trương tìm nguồn giống sạch bệnh hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất; tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp đã được phân cấp, kiểm soát chặt chẽ các giống mì đưa vào sản xuất, nghiêm cấm mua bán, sản xuất giống mì HLS11. Ngoài ra, Sở cũng đã đề nghị các nhà máy chế biến mì trên địa bàn cần quản lý chặt nguồn giống đưa vào sản xuất trong vùng nguyên liệu của mình, tránh để người dân sử dụng các giống nhiễm bệnh gây lây lan trên diện rộng.

 

 NGUYỄN DIỆP - QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm