Không có bằng cấp vẫn tự nhận mình là bác sĩ
Tại thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, cơ sở đang hoạt động bình thường. Lúc này một người tự xưng là bác sĩ Thanh đang khám bệnh cho một khách hàng, tư vấn điều trị suy giãn tĩnh mạch, tiêm xơ và laser sóng cao tần. Tuy nhiên, người này tỏ thái độ bất hợp tác, không xuất trình căn cước công dân và các giấy tờ hoạt động hành nghề theo quy định.
Trước thái độ bất hợp tác của cơ sở, Đoàn kiểm tra đã mời Công an phường Hoa Lư đến để phối hợp kiểm tra làm rõ. Lúc này, người tự xưng là bác sĩ Võ Minh Thanh mới khai nhận tên thật là Võ Minh Chiến (SN 1996, cư trú tại thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ).
Ông chiến cho biết mình tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa, không có bằng cấp hành nghề y nhưng tự nhận mình là bác sĩ và tư vấn, khám bệnh cho khách hàng theo hướng dẫn của bà Lê Thị Thành-là quản lý cơ sở. Toàn bộ tiền khám chữa bệnh cho khách hàng đều chuyển vào tài khoản của bà Lê Thị Thành. Ông Chiến mới vào cơ sở làm việc được một tháng nay với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng.
Trước yêu cầu của đoàn kiểm tra, ông Chiến gọi điện cho người quản lý, người này cho biết tên là Lê Thị Thành (SN 1996), quê ngoài Bắc, do nhà bị ảnh hưởng lũ lụt nên đã về quê giải quyết công việc gia đình và hứa sẽ có mặt làm việc với cơ quan chức năng theo yêu cầu.
Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản kiểm tra yêu cầu cơ sở chấm dứt ngay hành vi vi phạm, dừng tất cả hoạt động liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, tháo gỡ toàn bộ biển hiệu khám chữa bệnh; đồng thời mời chủ cơ sở có mặt tại Sở y tế tỉnh Gia Lai lúc 8 giờ ngày 4-10-2024 để làm việc.
Lừa dối khách hàng
Vì tin cơ sở PK ĐHY TP. Hồ Chí Minh có bác sĩ từ TP. Hồ Chí Minh đến khám chữa bệnh nên nhiều người dân đã tin tưởng đến thăm khám. Bà N.T.T.T (tổ dân phố 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) là một trong những nạn nhân của cơ sở này.
Bà T. cho biết: Vì tin tưởng cơ sở có bác sĩ từ TP. Hồ Chí Minh khám nên bà đã đến đây tư vấn, khám chữa bệnh. Tại cơ sở, vợ chồng tôi được bác sĩ Võ Minh Thanh khám và đưa ra phát đồ điều trị, việc điều trị ở tại phòng khám và sẽ được điều trị 4 lần (mỗi lần cách nhau một tuần) với giá tiền điều trị cho hai vợ chồng là 18 triệu đồng. Chúng tôi có yêu cầu chia ra nộp từng lần điều trị và tổng cộng đã nộp 9,2 triệu đồng.
Theo bà T., qua 3 lần điều trị gồm tiêm xơ, laser sóng cao tần… nhưng bệnh không giảm. “Qua quan sát, phòng khám không có treo giấy phép hành nghề, có dấu hiệu hoạt động trái phép. Vì thế tôi đã gởi thư phản ánh đến các cơ quan để theo dõi, tìm hiểu, phản ánh và khuyến cáo cho người dân biết để tránh bị mất tiền và tốn thời gian và công sức”- bà T. nói.
Hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội, nhiều cơ sở có hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng về hiệu quả khám chữa bệnh. Một số người dân nhẹ dạ, cả tin đã bị sập bẫy. Ông Trần Quang Khâm-Chánh thanh tra Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra khuyến cáo: Để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế đã được cấp phép để khám chữa bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe. Thời gian tới, thanh tra Sở Y tế sẽ tham mưu, kiến nghị tổ chức đợt thanh kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.