- Tham gia buổi làm việc, về phía BHXH Việt Nam có ông Trần Đình Liệu-Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan chuyên môn BHXH Việt Nam. Về phía tỉnh Gia Lai có bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Y tế, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội; lãnh đạo BHXH tỉnh và đại diện các phòng, ban chuyên môn cơ quan BHXH tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện |
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Lực-Giám đốc BHXH Gia Lai cho biết: Đến đầu tháng 3-2023, số người tham gia BHXH bắt buộc là 80.359/83.659 người, đạt 96,1% kế hoạch giao, tăng 2.834 người bằng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 14.814/20.561 người, đạt 72% kế hoạch giao, tăng 551 người bằng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 68.485/75.993 người, đạt 90,1% kế hoạch giao, tăng 2.887 người bằng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHYT là 1.294.269/1.375.588 người, đạt 94,1% kế hoạch giao, tăng 2.887 người bằng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
2 tháng đầu năm 2023, số thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh đạt 396,1/2.819,4 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14% kế hoạch giao. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 173,1 tỷ đồng, chiếm 5,78%, tăng 22 tỷ đồng, bằng 22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nợ phải tính lãi là 104,9 tỷ đồng, chiếm 3,5%, tăng 38 tỷ đồng bằng 58% so cùng kỳ năm trước. Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN là 365,5 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Giám đốc BHXH Gia Lai, ngay đầu năm 2023, BHXH đã tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh BHYT quý I/2023 trên 160 tỷ đồng cho 36/36 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo có đủ thuốc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Lũy kế 2 tháng đầu năm đã chi khám chữa bệnh BHYT cho 223.344 lượt người với trên 114,4 tỷ đồng, tăng 60% số lượt người và 41% về số tiền so với cùng kỳ năm trước...
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Gia Lai đã có ý kiến, kiến nghị BHXH Việt Nam quan tâm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn ngày càng hiệu quả. Ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế kiến nghị: Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014 tại điểm d, khoản 2, điều 32 quy định: Việc thẩm định quyết toán năm đối với quỹ BHYT và thanh toán số kinh phí chưa sử dụng hết (nếu có) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được thực hiện trước ngày 1-10 năm sau. Như vậy, cơ sở khám chữa bệnh sẽ gặp khó khăn trong hoạt động, trong việc chi trả tiền thuốc cho các Công ty.
Ông Lý Minh Thái- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh nêu kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện |
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, năm 2021, tỉnh Gia Lai vượt tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT 29,4 tỷ đồng, đã được cơ quan BHXH thanh toán theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền đưa số chi này vào làm cơ sở để tính tổng mức thanh toán năm 2022. Do vậy đề nghị BHXH Việt Nam sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện và đề nghị BHXH Việt Nam cần thẩm định quyết toán trước ngày 1- 4 năm sau.
Đề nghị BHXH Việt Nam xem xét, thanh toán số vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2017 của Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai (số tiền hơn 1,91 tỷ đồng). Đề nghị thanh toán số vượt trần đa tuyến đến năm 2018 hơn 11,2 tỷ đồng (của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 8,32 tỷ đồng và của Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai hơn 2,94 tỷ đồng). Ngoài ra, đề nghị thanh toán số chênh lệch giữa phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê (chưa được quy định giá) áp giá gây mê (chưa chấp nhận thanh toán chênh lệch giá do áp dụng Công văn số 1163/BHXH-CSYT giai đoạn từ năm 2019-2021 số tiền 14,1 tỷ đồng). Sắp tới, tỉnh Gia Lai sẽ có thêm một bệnh viện mới đi vào hoạt động thì việc giao dự toán khám chữa bệnh BHYT sẽ được bổ sung ra sao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện |
Tại buổi làm việc, một số kiến nghị của các đại biểu tỉnh Gia Lai đã được đại diện các cơ quan chuyên môn BHXH Việt Nam giải đáp cụ thể. Một số vấn đề chưa thể trả lời sẽ tổng hợp báo cáo và trả lời sau. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Gia Lai là một tỉnh miền núi với khoảng 46% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ nghèo xấp xỉ khoảng 10,2%. Gia Lai có 43 xã đặc biệt khó khăn; trong đó chỉ tiêu tỷ lệ mong muốn xây dựng BHYT là 90% dân số theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị. Kính đề nghị BHXH Việt Nam quan tâm xem xét kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT giai đoạn 2023-2025 cho Gia Lai như sau: năm 2023: 86%; năm 2024: 88%; năm 2025: 90%.
Đối với thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT Gia Lai, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh đây là vướng mắc lớn nhất cần tháo gỡ tại buổi làm việc hôm nay. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh tại tỉnh đều trông chờ vào việc thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT để từ đó có chi phí trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, và chi cho các hoạt động bệnh viện. Liên quan đến thanh toán số vượt trần đa tuyến đến năm 2018 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 8,32 tỷ đồng, đề nghị BHXH Việt Nam trả lời dứt điểm để tỉnh có hướng xử lý… Vì vậy đề nghị BHXH Việt Nam đồng thuận, chia sẻ cùng với tỉnh để có kiến nghị Trung ương xem xét giải quyết, tháo gỡ các vấn đề, nhất là trong thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT.
Tại buổi làm việc, ông Trần Đình Liệu-Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của tỉnh Gia Lai; đồng thời giải thích, hướng dẫn rõ thêm một số vấn đề trong việc thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT. Riêng đối với kiến nghị BHXH Việt Nam quan tâm xem xét kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT giai đoạn 2023-2025 cho Gia Lai. Việc này, các sở, ngành tại tỉnh Gia Lai cần tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT nhưng đồng thời phải có giải pháp và cơ chế đi theo và gửi cho BHXH Việt Nam để từ đó có kiến nghị với cấp trên.