Xã hội

Gia Lai: Kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 29-10, đoàn kiểm tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh Gia Lai về việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Ông Vũ Trọng Bình-Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chủ trì buổi làm việc. Về phía tỉnh, UBND tỉnh ủy quyền Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc với đoàn.
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 25-10, tỉnh Gia Lai đã chi hơn 89,6 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, chi hỗ trợ cho 11 nhóm đối tượng theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hơn 20,7 tỷ đồng để hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.995 đơn vị, với 38.097 lao động; tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 2 đơn vị với 39 lao động; hỗ trợ 34 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương trên 30 ngày. Cùng với đó, 61 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch được chi hỗ trợ 226 triệu đồng; hỗ trợ cho 624 hộ kinh doanh (3 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, 2.443 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, F1 đang cách ly y tế. Đồng thời, giải ngân cho 56 đơn vị, người sử dụng lao động vay hơn 3,2 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.016 lao động.
Ông Vũ Trọng Bình-Cục trưởng Cục việc làm phát biểu đánh giá công tác thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Đinh Yến
Ông Vũ Trọng Bình-Cục trưởng Cục việc làm phát biểu đánh giá công tác thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Đinh Yến
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ theo Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh cho 7.719 lao động tự do với số tiền 11,578 tỷ đồng và đã chi hỗ trợ cho 6.501 lao động với số tiền 9,751 tỷ đồng. 
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã thông báo, giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.997 đơn vị với 33.079 lao động, với tổng số tiền là 20,2 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 27.512 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền 68,7 tỷ đồng. 
Ngoài ra, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, tỉnh đã cấp phát gần 208,9 tấn gạo cho 3.360 hộ dân với 13.925 khẩu. Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ đón 1.083 công dân có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ mang thai, người già yếu, bệnh tật, trẻ em từ các tỉnh phía nam về quê. 
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tỉnh Gia Lai đề nghị bổ sung về thành phần hồ sơ đối với người lao động ngừng việc thuộc khu vực bị phong tỏa; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; chính sách hỗ trợ đối với lao động tự do trở về quê tránh dịch.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đinh Yến
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đinh Yến
Đánh giá về công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại Gia Lai, ông Vũ Trọng Bình cho biết, việc thực hiện các gói chính sách về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở Gia Lai triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng. Cục trưởng Cục việc làm đề nghị, thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần đa dạng công tác tuyên truyền hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các địa phương trong quá trình triển khai các gói chính sách. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cần chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các gói chính sách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đặc biệt phải phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy chính quyền. Các ngành, địa phương cần đối thoại với người lao động và người sử dụng lao động, khảo sát, nắm bắt sát nhu cầu, từ đó có kế hoạch triển khai để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, phát huy tính nhân văn trong bối cảnh dịch. 
Đối với lao động từ các tỉnh khu vực phía Nam trở về quê tránh dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là cơ quan hỗ trợ đẩy mạnh các phiên dịch vụ việc làm trực tuyến, các phiên giao dịch việc làm về tới thôn, làng để kết nối cung-cầu lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đối với những lao động có nhu cầu quay lại thị trường việc làm các tỉnh phía Nam cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Với những lao động muốn ở lại quê hương làm việc cũng có những giải pháp cụ thể như: hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm...
Chiều tối cùng ngày, đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về tình hình thực hiện các gói chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm