Kinh tế

Tài chính

Gia Lai kỳ vọng dòng vốn FDI mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm đến các lĩnh vực tiềm năng của Gia Lai như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch… Với việc tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cũng như chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, Gia Lai hoàn toàn có thể kỳ vọng vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới trong tương lai.

Tín hiệu tích cực

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trên địa bàn tỉnh có 10 dự án có vốn FDI. Trong đó, Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) có 5 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 455 triệu USD (4 dự án đang hoạt động ổn định và 1 dự án đang trong thời gian vận hành thử nghiệm). Các dự án tập trung vào một số ngành, nghề sản xuất, chế biến thô, sơ chế cà phê nhân, hạt điều, chế biến trái cây…

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp FDI tại đây là cà phê nhân. Các dự án đã giải quyết việc làm cho gần 800 lao động và đóng góp 2,39 triệu USD cho ngân sách năm 2022. Bên cạnh đó, có 5 dự án ngoài khu công nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào các công ty đang triển khai dự án, chủ yếu là các dự án năng lượng tái tạo. Các dự án ngoài khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động và đóng góp 1,06 triệu USD cho ngân sách năm 2022.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở KH-ĐT-cho biết: Mặc dù số lượng dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào vận hành, khai thác chưa nhiều song sự tham gia của khu vực FDI trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng tái tạo là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại dựa trên thế mạnh của tỉnh. Các dự án này còn góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động và gia tăng năng lực sản xuất. Điều này phần nào cho thấy, cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ cũng như của tỉnh, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư tại tỉnh đã phát huy hiệu quả nhất định.

Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: Phạm Quý

Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: Phạm Quý

Dự án điện gió của Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai (thuộc Tập đoàn HBRE) là một trong những dự án hoạt động hiệu quả và đóng góp khá lớn vào ngân sách nhà nước. Dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư theo Quyết định số 560/QĐ-UBND ngày 12-12-2018, có quy mô công suất 50 MW với 12 trụ tua bin tại xã Ia Băng và Ia Phìn (huyện Chư Prông) trên diện tích khoảng 15,8 ha. Được triển khai xây dựng từ năm 2019, dự án hoàn thành đóng điện, đi vào vận hành cuối tháng 10-2021, cung cấp sản lượng điện từ năng lượng tái tạo ước tính 163,07 GWh/năm. Được biết, dự án này có sự góp vốn của Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan). Ông Jormsup Lochaya-Chủ tịch Tập đoàn-cho biết: Dự án Trang trại phong điện HBRE triển khai tại Chư Prông là kết quả hợp tác giữa Super Energy Corporation và Tập đoàn HBRE. Từ khi triển khai cho đến nay, dự án đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 6,63 triệu USD.

Kỳ vọng đón dòng vốn đầu tư mới

Gia Lai có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế-xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là Campuchia và Lào. Tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến với các loại cây trồng như: rau quả, cao su, cà phê, chè, dược liệu, mía… Bên cạnh đó, Gia Lai cũng có nhiều điều kiện để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng logistics, thương mại, xuất-nhập khẩu. Với nguồn năng lượng nắng và gió dồi dào bậc nhất Tây Nguyên, Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Đây chính là cơ sở, cơ hội để Gia Lai kỳ vọng đón dòng vốn FDI mới lớn hơn, mạnh hơn.

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay: Thời gian gần đây, tỉnh liên tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc trong các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch… “Hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong việc thu hút FDI tại Gia Lai chính là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng các khu-cụm công nghiệp, khu du lịch. Tỉnh cũng đang thiếu quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt quy hoạch còn chậm, chưa đồng bộ từ quy hoạch chung, phân khu, chi tiết; các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư cũng chưa thống nhất”-ông Nguyên thông tin.

Phân loại chanh dây tại nhà máy chế biến chanh dây Quicornac-doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Phân loại chanh dây tại nhà máy chế biến chanh dây Quicornac-doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc này, theo Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh việc trình thẩm định quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, phân khu, chi tiết các vùng đô thị; đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng khu-cụm công nghiệp, khu du lịch theo Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 20-1-2022 của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2030 và Chương trình số 592/CTr-UBND ngày 30-3-2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU.

Đối với các cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư đăng ký đầu tư cơ sở hạ tầng, các ngành đang đẩy nhanh thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, rà soát lại quỹ đất của các đơn vị được giao nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, chuyển giao về cho địa phương quản lý để kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030. Giải pháp quan trọng nữa là tỉnh sẽ tổng hợp và kiến nghị Trung ương sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, nhất là giữa các luật: Đất đai, Đầu tư, Nhà ở, Quản lý tài sản công, Đấu thầu… để tạo thuận lợi cho các dự án, trong đó có dự án FDI.

Liên quan đến việc thu hút nguồn vốn FDI, ngày 28-7-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 1046/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27-4-2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 271-KH/TU ngày 16-12-2019 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp gồm: đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài; tăng cường ổn định chính trị, xã hội và kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế khẳng định: “Tỉnh luôn tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chính quyền tỉnh cũng luôn đồng hành để kịp thời nắm bắt, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư”.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng hình ảnh, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư. Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát chính sách, các thủ tục quy định liên quan đến thu hút đầu tư; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng khu-cụm công nghiệp; xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư dựa trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, tỉnh sẽ xác định các nhà đầu tư chiến lược, dự án động lực, dự án lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh...

Bằng các giải pháp đồng bộ, tin tưởng rằng Gia Lai tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp FDI lựa chọn làm “bến đỗ” để đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm