Du lịch

Gia Lai: Kỳ vọng vào ngành "công nghiệp không khói"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến công tác đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã chọn 2 điểm du lịch tiềm năng là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Tại đây, lãnh đạo tỉnh đã dành thời gian đi thực địa, khảo sát và chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo nhằm biến những nơi này thành điểm du lịch tươi mới, hấp dẫn trong tương lai.
Ngay sau 2 chuyến công tác cơ sở liên quan đến “quốc kế dân sinh” ấy, đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ trí thức, văn nghệ sĩ và phóng viên báo chí, UBND tỉnh đã tổ chức ngay một “hội nghị Diên Hồng” để nghe các sở, ngành, địa phương hiến kế về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm mới. Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với lãnh đạo tỉnh là sẽ tập trung đầu tư phát triển 3 trụ cột kinh tế: nông-lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch. Trong số các mục tiêu hướng tới của năm Kỷ Hợi, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến định hướng và giải pháp để phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, ngành Du lịch Gia Lai sẽ cất cánh trong năm Kỷ Hợi. Ảnh: Phan Nguyên
Hy vọng rằng, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, ngành Du lịch Gia Lai sẽ cất cánh trong năm Kỷ Hợi. Ảnh: Phan Nguyên
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng: Trong năm 2018, ngành Du lịch Gia Lai đã được coi trọng, có sự quan tâm đầu tư và đạt được những kết quả rất khả quan. Theo đó, toàn tỉnh thu hút 620 ngàn lượt khách, tăng 33,6% so với năm 2017; doanh thu từ du lịch đạt 305 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước đó. Đặc biệt, trong dịp Tết Kỷ Hợi, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh thu hút 143 ngàn lượt khách, doanh thu khoảng 5,4 tỷ đồng. Tuy đạt mức tăng trưởng khả quan nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Nếu không có chiến lược đầu tư bài bản, phù hợp thì ngành “công nghiệp không khói” của Gia Lai vẫn phải “ngửi khói” một số tỉnh trong khu vực như: Bình Định, Lâm Đồng, Đak Lak…
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung mở đầu phát biểu của mình một câu đại ý: Từ trước Tết đến giờ, lúc nào ông cũng nghĩ về du lịch. Định hướng của tỉnh đã có nhưng làm thế nào để du lịch phát triển xứng tầm thì là cả một vấn đề nan giải. Đề cập đến định hướng phát triển trong thời gian tới, người đứng đầu ngành Du lịch tỉnh thể hiện quyết tâm rất cao: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ có báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong quý I này.
Rõ ràng, việc tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển là quyết tâm chính trị của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là phải có chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện thực tế của địa phương. Theo chúng tôi, trong nhiều việc cần làm, tỉnh nên lựa chọn một số hạng mục thiết yếu trước mắt nhưng có tác động trực tiếp đến ngành du lịch sau này.
Trước hết, trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế, tỉnh cần có quy hoạch tổng thể về loại hình và hệ thống các điểm, tour, tuyến du lịch gắn với hệ thống dịch vụ hậu cần. Việc hình thành quy hoạch tổng thể về du lịch sẽ quyết định đến chính sách đầu tư, cụ thể là tránh hiện tượng đầu tư theo kiểu “dàn hàng ngang” của các địa phương trong tỉnh, vừa tạo được mối liên kết “các bên cùng có lợi” với các địa phương khác trong vùng.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên rất cần sự hợp tác, giúp sức của các ngành và địa phương trong tỉnh. Theo đó, các sở, ngành của tỉnh cần chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến ngành mình, đặc biệt là kịp thời hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.
Cùng với công tác quy hoạch, đầu tư và thu hút đầu tư là vấn đề cốt lõi đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn, tư duy khoa học và ý tưởng đột phá. Trong phát triển du lịch, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng, quy hoạch, đầu tư hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân làm du lịch. Vì vậy, việc đầu tư phải có tầm nhìn chiến lược, mang lại hiệu quả thiết thực, tránh dàn trải, manh mún. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp làm du lịch, đặc biệt là mạnh dạn giao (có kiểm soát) một số điểm du lịch có tiềm năng do các địa phương quản lý nhưng thiếu hiệu quả cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, ngành Du lịch Gia Lai sẽ cất cánh trong năm Kỷ Hợi và những năm tiếp theo. 
 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm