Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai: Luật Hôn nhân và Gia đình được triển khai sâu rộng trong nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 16-4, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) năm 2000. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Dự họp trực tuyến tại đầu cầu Gia Lai có ông Măng Đung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo về những kết quả đã đạt được cũng như bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi luật HN-GĐ năm 2000; thông qua mục tiêu, quan điểm và một số định hướng lớn trong xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này.
 

Quang cảnh dự họp tại đầu cầu Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh dự họp tại đầu cầu Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi

Theo đó, trong 12 năm qua, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật HN-GĐ năm 2000 đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều văn bản quy định và hướng dẫn thi hành Luật được ban hành, từ các Nghị định của Chính phủ đến các thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ, ban, ngành Trung ương và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao… đảm bảo sự thống nhất, tính cụ thể, khả thi của Luật trong cuộc sống. Nhờ thế, quyền và nghĩa vụ của người dân về HN-GĐ được thực hiện, bảo vệ tốt hơn. Công tác tổ chức thi hành Luật HN-GĐ cũng được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và mang lại hiệu quả trên tất cả các mặt như: quản lý nhà nước về gia đình, hộ tịch, phổ biến và giáo dục pháp luật, xét xử của ngành Tòa án Nhân dân, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố của ngành Kiểm sát Nhân dân…

Hội nghị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan những hạn chế, bất cập trong công tác thi hành Luật HN-GĐ. Cụ thể: Công tác hướng dẫn thi hành quy định của Luật còn chậm, chung chung, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng; một số cơ quan, chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết các vụ việc về HN-GĐ của ngành Tòa án Nhân dân; các quy định của Luật về việc áp dụng tập quán hôn nhân và gia đình, về kết hôn, các trường hợp cấm kết hôn, hủy kết hôn trái pháp luật, kết hôn giữa những người cùng giới tính, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài… còn chứa đựng nhiều hạn chế; một số vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật quy định.

Ở Gia Lai, từ khi Luật HN-GĐ ra đời đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật đã được triển khai sâu rộng trong nhân dân. Từ đó, việc thực thi các quy định của pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ về HN-GĐ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và dần đi vào nền nếp, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng phong tục, tập quán để giải quyết các mối quan hệ về HN-GĐ còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, nhất là việc áp dụng trong quá trình xét xử; tình trạng sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành trung ương cũng như địa phương có liên quan trong việc thực hiện Luật HN-GĐ; đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập phát sinh trong 12 năm thi hành Luật.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Luật HN-GĐ là cần thiết. Vì vậy, Bộ Tư pháp, Ban Soạn thảo Luật cùng các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, tổ chức có liên quan phải tích cực tham gia xây dựng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật HN-GĐ năm 2000 lần này cần thể hiện được 2 quan điểm rất quan trọng: Một là, tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực HN-GĐ, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em và những người yếu thế khác; hai là, bảo đảm sao cho pháp luật về HN-GĐ Việt Nam vừa thể hiện được các giá trị truyền thống của nước ta vừa phù hợp với các quy định pháp luật và giá trị chung về HN-GĐ của các nước, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Hội nghị đã lắng nghe 16 tham luận và thảo luận ở các điểm cầu khác nhau trên cả nước với tinh thần đánh giá quá trình thực thi Luật HN-GĐ năm 2000 và góp ý xây dựng về các vấn đề liên quan đến một số quy định của Luật này.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm