Du lịch

Gia Lai: Mảnh đất màu mỡ để phát triển du lịch nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Đến Gia Lai, chỉ cần giơ máy lên là có ảnh đẹp” hay “Hành trình Gia Lai đi để chữa lành” là nhận xét của khá nhiều du khách trên các diễn đàn du lịch của tỉnh trong thời gian qua. Cùng với đó là những hình ảnh tràn đầy năng lượng và truyền cảm hứng “xách ba lô lên và đi” của nhiều bạn trẻ say mê nhiếp ảnh. Trong đó, nhiều bộ ảnh du lịch chụp ở vùng nông thôn Gia Lai tạo ấn tượng mạnh mẽ.

1. Bộ phim “Đi đến nơi có gió” của Trung Quốc khi phát sóng đã ngay lập tức tác động đến vùng quê Đại Lý (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc)-bối cảnh chính trong phim. Theo thông tin từ báo chí, trước khi phim phát sóng, số lượng khách du lịch đến Đại Lý chỉ khoảng 100 người/ngày, nhưng sau đó tăng vọt lên gần 3.000 người/ngày. Từ một bộ phim theo xu hướng chữa lành, “Đi đến nơi có gió” trở thành tác phẩm quảng bá du lịch văn hóa thành công.

Tổ chức UNESCO ghi nhận tác động của bộ phim đối với việc hồi sinh di sản văn hóa: “Nhân vật Tạ Chi Dao do Lý Hiện thể hiện đã phát huy sức mạnh của di sản văn hóa phi vật thể, làm sống lại nền kinh tế làng Vân Miêu”.

Không gian nông nghiệp đặc thù là thế mạnh để Gia Lai phát triển nông thôn gắn với với du lịch. Ảnh: Minh Châu

Không gian nông nghiệp đặc thù là thế mạnh để Gia Lai phát triển nông thôn gắn với với du lịch. Ảnh: Minh Châu

Phim tạo sự bùng nổ du lịch vùng nông thôn bởi những khung cảnh tuyệt đẹp, thanh bình, sông núi hữu tình, không khí trong lành, kiến trúc nhà ở giữa cỏ cây, ẩm thực truyền thống cùng những giá trị văn hóa được gìn giữ lâu đời… đến gần với khán giả. Xem phim, mọi người đều khao khát được xách ba lô lên để đến với vùng quê thanh bình ngập nắng ấm và hoa cỏ ấy.

Sự thành công của bộ phim “Đi đến nơi có gió” cũng là câu trả lời cho sức hút của du lịch nông thôn hiện nay. Đó là mang đến cho du khách một hành trình tìm lại nhịp sống đã mất, tìm lại chính bản thân mình từ cảnh sắc yên bình, con người hiền hòa cùng đời sống văn hóa phong phú. Những thứ ngỡ rất đỗi bình thường nhưng lại trở thành “đặc sản” trong thời đại số với quá nhiều biến động và nhịp sống bị đẩy đi quá nhanh như hiện nay.

2. Gia Lai là vùng đất có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp. Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn-Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) sau khi khảo sát nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp ở Gia Lai nhận xét: “Vùng nông thôn mang đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp, lâm nghiệp và giá trị văn hóa nông thôn đặc sắc, nhất là lợi thế khí hậu mát mẻ. Những yếu tố đó tạo ra bức tranh hoàn hảo nếu đầu tư và phát triển du lịch. Vùng đất đỏ bazan còn chứa đựng trong mình nét đẹp tâm hồn, giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số”. Tiến sĩ Trang cũng cho rằng, phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn hiện nay khá thuận lợi vì kế thừa những giá trị và thành tựu của quá trình xây dựng nông thôn mới.

Một số mô hình du lịch nông nghiệp đi vào hoạt động, nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn được tỉnh ta triển khai. Tỉnh cũng đón nhiều đoàn famtrip có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch lớn cả nước đến khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Các điểm đến đều được đánh giá cao về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc, hội đủ các tài nguyên bản địa để làm nên không gian nông nghiệp có nhiều dư địa khai thác dịch vụ, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch. Nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Không gian nông nghiệp đặc thù là thế mạnh để Gia Lai phát triển nông thôn gắn với du lịch. Ảnh: Minh Châu

Không gian nông nghiệp đặc thù là thế mạnh để Gia Lai phát triển nông thôn gắn với du lịch. Ảnh: Minh Châu

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 do UBND tỉnh vừa ban hành đề ra giải pháp khai thác, làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, môi trường tự nhiên và dựa trên các sản phẩm du lịch để tạo ra giá trị kinh tế.

Kế hoạch triển khai phải phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch. Đồng thời, do cộng đồng địa phương quản lý, khai thác và hưởng lợi dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, chuyên gia và đơn vị tư vấn.

Những nội dung trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gồm có rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; triển khai Bộ tiêu chí về du lịch nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực; triển khai áp dụng chuyển đổi số; xây dựng các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Đặc biệt, làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) sẽ được hỗ trợ để xây dựng thành sản phẩm “vệ tinh” trong chiến lược phát triển du lịch nông thôn ở Gia Lai. Đây là ngôi làng Bahnar với triết lý sống dựa vào tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Triết lý sống này đã hình thành tập quán, thói quen lao động sản xuất, ẩm thực, văn hóa, tạo nên giá trị đặc sắc cho di sản văn hóa thế giới “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Làm thế nào để biến di sản phi vật thể thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang những trải nghiệm đáng giá cho du khách, biến một ngôi làng nông thôn ở Đông Trường Sơn thành nơi mọi người đều khao khát xách ba lô lên để tìm đến như ngôi làng Vân Miêu trong “Đi đến nơi có gió”?

Câu trả lời nằm ở quá trình hiện thực hóa Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025 một cách trách nhiệm, căn cơ của các cấp, các ngành. Xây dựng thành công sản phẩm du lịch nông thôn làng Stơr là tiền đề khai phóng cho nhiều ngôi làng khác khai thác, phát triển du lịch.

Có thể bạn quan tâm