(GLO)- Những năm 80 của thế kỷ trước, việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số vào công nhân là điều nan giải đối với các công ty, nông trường. Giám đốc phải đích thân xuống làng họp, thậm chí là phải đích thân đi vận động từng nhà.
Họ chịu đi cho đã khó, giữ chân được họ còn khó khăn hơn. Nhiều cán bộ nói vui không phải đi vận động mà là “đi dỗ”. Thế nhưng kết quả không phải bao giờ cũng được như mong muốn. Ngược lại, trên cùng một địa bàn nhưng có những đơn vị lại làm công tác vận động đồng bào rất hiệu quả, hơn nữa lại tránh được những mối xung đột do phong tục tập quán. Qua tìm hiểu, tôi được biết, thì ra là những vị lãnh đạo đơn vị ở đó hoặc là “con” của các già làng hoặc là anh em kết nghĩa với các chủ tịch xã, trưởng thôn. Không chỉ một mà có người thậm chí được tới 4, 5 già làng hoặc trưởng thôn nhận làm con, kết nghĩa anh em.
Nhiều nơi, người kết nghĩa được già làng đeo vòng thể hiện sự gắn kết. (Ảnh: San Nguyễn/nguồn Danviet) |
Lễ kết nghĩa anh em, cha con của người Tây Nguyên xưa thường xuất phát từ thần linh báo mộng hoặc do một sự tình cờ hiếm có nào đó, chẳng hạn 2 người ở khác làng trùng tên nhau; có con hay anh chị đã chết cùng tên... Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đơn thuần chỉ vì quý mến nhau. Tuy nhiên, lệ tục quy định: 2 người kết nghĩa cha con, mẹ con thì tuổi phải phù hợp thứ bậc; trai chưa vợ không được kết nghĩa với gái chưa chồng và ngược lại. Một khi đã làm lễ kết nghĩa, người kết nghĩa sẽ được đối xử không khác gì thành viên ruột thịt trong nhà cả về nghĩa vụ và quyền lợi. Biết là vậy nhưng tôi chưa được chứng kiến thể thức cụ thể của nó thế nào.
Thế rồi một hôm tình cờ đi công tác ở Công ty Cao su Đức Cơ (bấy giờ chưa bàn giao về Binh đoàn 15), tôi đã có dịp chứng kiến nghi lễ thiêng liêng này: người đội trưởng nông trường cao su làm lễ nhận vợ chồng già làng là bố mẹ nuôi. Gần 40 năm rồi nên tên người đội trưởng, tên làng tôi cũng đã quên, chỉ biết là thuộc xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ bây giờ). Tuy nhiên, về phần nghi lễ thì tôi rất nhớ bởi nó quá ấn tượng… Nơi gian chính của căn nhà sàn ám khói, những người họ hàng của già làng và vợ ông ngồi quây thành vòng tròn, vợ già làng mình trần, chống 2 chân 2 hai tay theo tư thế đang bò; đôi vú già nua lép kẹp, héo hắt thõng xuống như 2 quả mướp khô. Ông mối lấy một bát rượu pha tiết heo đổ lên lưng vợ già làng.
Vừa đổ rượu ông vừa lâm râm khấn đại ý rằng: Nay nó (người đội trưởng) đã được nhận làm con; xin thần linh về chứng cho, ai phản bội tình nghĩa ruột rà thì kẻ đó sẽ bị trừng phạt. Dòng rượu tiết loang dần trên lưng bà rồi nhểu từng giọt xuống nơi đầu vú. Người đội trưởng ngồi quỳ, đầu ngấc lên ngậm vào đầu vú và mút lấy dòng rượu tiết. Vợ già làng đưa cánh tay khẳng khiu ôm lấy đầu con kết nghĩa và hôn lên trán… Lễ nhận con với vợ chồng già làng vậy là xong. Mọi người trịnh trọng ngồi vào tiệc rượu.
Hôm sau, vợ chồng già làng sắm tiệc rượu để “đãi” lại con nuôi. Theo tục lệ thì lễ của cha mẹ phải “hậu” hơn và phải được tổ chức tại nhà con. Tuy nhiên, vì người đội trưởng chưa làm nhà riêng nên lễ thức được tổ chức tại căn phòng tập thể của ông. Già làng mang đến một con heo chừng 30 kg, 3 ghè rượu và mấy con gà. Lễ thức bú vú không phải tiến hành nhưng tiệc rượu đều có đủ mặt cả người làm chứng và họ hàng, như một sự công nhận mối thân tình. Chúng tôi được một bữa rượu say khướt. Người đội trưởng được cha mẹ nuôi cho 1 chiếc ghè gọi là “chia của” tượng trưng…
Dù trải qua bao biến thiên năm tháng, lệ tục đầy tính nhân văn nói trên của người Tây Nguyên vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Trong quá khứ, tục lệ đẹp này đã hóa giải không ít xích mích trong cộng đồng và cả với những làng từng có mối thâm thù. Những năm đầu giải phóng, một số công ty, nông-lâm trường đã biết vận dụng tục lệ đẹp này như đã kể. Mấy năm trước, Binh đoàn 15 cũng đã vận dụng, cụ thể hóa lệ tục này với mô hình “Gắn kết hộ”. Nhưng lễ thức bây giờ đã khác và có lẽ cũng chẳng mấy ai “dũng cảm” bú vú như ông đội trưởng năm nào? Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ cái lễ thức cổ truyền ấy mới tạo cho người kết nghĩa một tình cảm thiêng liêng. Ai có ý nghĩ phản bội mà quên được cái phút giây mình đã ngậm vào đầu vú mẹ?
NGỌC TẤN